người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Chữ Trí trong kinh doanh


Thành ngữ dân gian xưa có câu: "Biết ngựa qua bước đi, biết người qua giao thiệp”. Qua giao tiếp, người ta có thể biết được con người đó có trí tuệ đến đâu.        


Trong cuộc sống, có thể bạn đã từng gặp những con người có khả năng giao tiếp tốt, họ có thể giữ được bình tĩnh và ra quyết định đúng đắn trong bất cứ tình huống khó khăn nào. Họ hiểu rõ bản thân và nắm được cảm xúc của đối phương để có thể đưa ra thái độ và cách ứng xử hợp lí. Đó là nhờ năng lực sử dụng trí tuệ của chính họ. Trong giao tiếp ứng xử, trí tuệ là kỹ năng sống còn. Trong công việc của nhà lãnh đạo, trí tuệ trở thành một yếu tố của sự thành công.       
Vậy, trí tuệ là gì? Và có ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh, chúng ta hãy cùng đi sâu tìm hiểu...       
Trong những thập kỉ trước đây, sức mạnh và giá trị của một người, của một công ty hay triều đại được đo bằng số lượng súng ống, hay trâu bò, ruộng đất. Sức mạnh thường được thể hiện qua những giá trị hữu hình và vật chất. Ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa, nền kinh tế thị trường đang dần đi lên, các giá trị vô hình được đề cao và là nền tảng cho sự phát triển vững bền của gia đình, doanh nghiệp, đất nước. Giá trị vô hình ở đây chính là chất xám, là trí tuệ mà nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo đang chú trọng trong từng bước đi trong quá trình kinh doanh. Kinh doanh là việc sử dụng một cách tối ưu nhất những nguồn lực để thực hiện quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ… một cách có hiệu quả nhất phù hợp với văn hóa xã hội của dân tộc. Nhưng để thực hiện được như vậy, không phải người làm kinh doanh nào cũng làm được. Ngoài những tố chất sẵn có, nhà lãnh đạo cũng cần phải có tư duy theo hướng mới, không ngừng sáng tạo để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Một doanh nhân trong thời đại mới cần hội đủ sáu yếu tố: tâm, trí, khí, lực, pháp, hành. Những yếu tố này được coi là lục bảo (sáu kho báu của mỗi người).  
Trước tiên, một người kinh doanh mới chỉ được coi là thành công nếu kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận nhưng họ sẽ được coi là doanh nhân thành đạt thật sự nếu kinh doanh có tâm. Tâm với một nhà lãnh đạo không còn bị bó hẹp trong ý nghĩa đơn thuần là sự quan tâm những người quanh ta và xã hội mình đang sống nữa mà chính là bổn phận, là trách nhiệm của người làm quản lí với doanh nghiệp. Đó là sự hiện diện của cái tâm, cái tầm, cái tài của nhà lãnh đạo. Trong ý nghĩa đó, nhà quản lí cần hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng lẩn khuất nơi họ. Giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất của con người, là cái tài của nhà lãnh đạo, là trí tuệ sâu sắc đúc kết được trong quá trình quản lí nhân viên.       
Bàn về yếu tố thứ hai nằm trong lục bảo: khí chính là khí thế, là suy nghĩ dám nghĩ dám làm trong kinh doanh của những người làm chủ doanh nghiệp. Hẳn không ai không biết đến truyền hình tương tác VTC. Nhưng có thể ít ai biết rằng để có được vị thế như bây giờ, VTC đã trải qua một thời gian vô cùng vất vả, khi đó những cá nhân, cán bộ trong nội bộ công ty vẫn luôn thi đua, nỗ lực hết mình. Chính điều ấy đã góp phần làm nên tốc độ thần tốc của tổng công ty. Với vị thế là một công ty truyền thông đa phương tiện, và phương châm: ”Đi tắt đón đầu nhưng phải chính xác và hiệu quả”. Ban lãnh đạo công ty đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để đưa công ty trở thành tổng công ty lớn mạnh như ngày nay. Thực tế đã chứng minh, để thành công trong kinh doanh, suy nghĩ mạnh dạn dám nghĩ dám làm là một yếu tố quan trọng để đem lại thành công cho doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó vẫn cần những tư duy sáng tạo để hiện thực hóa cái suy nghĩ:”dám nghĩ” của người làm kinh doanh.       

Ai đó đã từng nói “một tinh thần cường tráng chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể khỏe mạnh”. Điều này phần nào đã đúng vì nếu con người yếu ớt, không có sức khỏe thì liệu có thể minh mẫn làm việc hay không? Sức khỏe là thứ mà khi mất đi rồi ta mới cảm thấy tiếc. Ai ai cũng cần phải có sức khỏe mới có thể có tinh thần làm việc hăng say, có đầu óc tỉnh táo để hoàn thành những công việc cần thiết. Trong kinh doanh, chỉ cần sai một li đi một dặm, các nhà quản lí luôn chú trọng tới vấn đề sức khỏe để tỉnh táo trong giải quyết vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp.      


Đó là về chữ “lực”_ sức khỏe, thể lực. Còn về yếu tố “pháp” thì sao? Tại sao nó lại được coi là một trong những kho báu ở mỗi người? Pháp có nghĩa là phương pháp, là cách thức làm việc của một người. Mỗi người có những tư duy khác nhau và cách suy nghĩ logic, sắp xếp khác nhau. Từ đó đề ra những phương cách làm việc khác nhau. Nhật hiện nay là một nước có nền kinh tế lớn mạnh. Điều đó thì hẳn chẳng ai không rõ nhưng điều đáng nói ở đây là, làm thế nào mà họ có thể vươn lên như vậy trong khi Nhật vốn là một nước quanh năm thường xảy ra động đất, tài nguyên thiên nhiên lại chẳng hề dồi dào. Qua tìm hiểu về phong cách làm việc của người Nhật, ta sẽ phần nào nhận thấy thành công của họ do đâu mà thành. Người Nhật có một phong cách làm việc đặc biệt và hiệu quả. Trong văn hóa kinh doanh, họ luôn tôn trọng sáu điều. Đó là tôn trọng chính thẻ card kinh doanh của mình, học tập từ những người đi trước, nâng cao tinh thần bằng những khẩu hiệu, khuôn mặt nghiêm khắc, làm hết mình chơi hết mình, mối quan hệ được đặt lên hàng đầu. Kinh doanh cũng là một cách thức kiếm tiền từ những khoản lợi nhuận nhưng để đạt được những mong muốn ấy thì cần phải có những phương pháp làm việc sáng tạo, cách làm việc linh hoạt. Những suy nghĩ logic đem nhằm đặt ra một phương thức làm việc tối ưu và hiệu quả nhất.         


Nhưng một người hội đủ những yếu tố trên vẫn chưa thể thành công nếu không hành động. Một cuốn sách đã khuyên rằng bạn nên nói tôi làm được thay vì tôi có thể làm được vì sở dĩ bạn sẽ chẳng bao giờ bắt tay làm việc nổi nếu không bắt tay vào hành động. Hành động có thể không mang lại thành công ngay nhưng ít ra nó cũng đã hiện thực hóa ý tưởng. Bạn có thể thất bại ngay lần hành động đầu tiên nhưng không có nghĩa là những lần thực hiện sau bạn cũng thất bại. Cơ hội chia đều cho mỗi người và điều quan trọng là bạn có biết chớp lấy thời cơ hay không. Nhưng trong kinh doanh, hành động thế nào để đạt được lợi ích tốt nhất thì cũng là một vấn đề cần chú ý. Giả sử, bạn là một nhà kinh doanh thời trang. Bạn rất năng nổ sáng tạo tung ra những mẫu thời trang mới đến thị trường nhưng sản phẩm của bạn không được người tiêu dùng ưa chuộng cho lắm. Vậy lí do tại sao? Lúc này thì cần xem lại những mẫu thời trang mà bạn đã tung ra. Nó có đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hay chưa hay chỉ là sản phẩm ăn theo thời vụ và bạn lại tung ra đúng vào thời kì suy thoái của sản phẩm. Không có gì là không có cách giải quyết. Quan trọng là ở tư duy của chính bạn.       


Cuối cùng, yếu tố hiện nay được coi là quan trọng nhất trong sáu yếu tố làm nên mỗi người chính là trí tuệ. Trí tuệ là suy nghĩ, là vận dụng đầu óc làm việc, là tư duy. Tư duy chính là tồn tại. Đó là về khía cạnh xã hội nhưng trong kinh doanh thì nhà làm quản lí phải biết vận dụng linh hoạt trí tuệ vào từng chi tiết, từng công việc cụ thể. Đó có thể là sự sáng tạo khi thực thi một kế hoạch, là sự kiểm chứng thông tin khi nghe những thắc mắc của nhân viên. Một nhà quản lí giỏi phải biết sàng lọc thông tin và đưa ra những quyết định đúng đắn bởi trong kinh doanh, riêng cái thông tin cũng có sức mạnh vô cùng to lớn quyết định chuyện kinh doanh. Một người có đủ tâm, trí, khí, lực, pháp, hành thì mới chỉ là một người bình thường hoặc làm kinh doanh được nhưng để trở thành người kinh doanh thành công và là nhà quản lí tài ba thì mới chỉ có sáu bảo bối đó vẫn chưa đủ bởi trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định từng bước đi của chủ doanh nghiệp_con chim đầu đàn của tập thể.      


Hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến Michael Dell - ông chủ của tập đoàn máy tính khổng lồ. Ông là một hình mẫu doanh nhân thành đạt trên thế giới, trong quá trình từ khi mới bước chân vào kinh doanh đến thời kì phát triển lớn mạnh như ngày nay, Dell đã không ngừng tư duy, đưa ra những ý tưởng nhằm tạo những dấu ấn mới trong làng công nghệ thông tin thế giới. Ngay từ khi mới 12 tuổi, Michael Dell đã tự xuất bản tập catalog giới thiệu sản phẩm đầu tiên gọi là “Những con tem của Dell (Dell’s Stamps)” và cho đăng quảng cáo trên một tờ báo thương mại địa phương. Bằng cách tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, nhà doanh nghiệp trẻ này đã có bài học đầu tiên về xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. Sau khi dành một phần đáng kể thời gian học trung học vào máy tính và tiêu phí thời gian với Đài Radio Shack ở địa phương, năm 19 tuổi, Dell vào học tại một trường cao đẳng. Cũng chính tại đây, cuộc sống của Dell đã bước sang một ngã rẽ mới, khác hẳn với lối đi thông thường. Trong những tháng tại ký túc xá, Dell biến phòng ngủ thành phòng thí nghiệm máy vi tính. Ngay sau đó, Dell bán được máy tính cá nhân. Năm 1984, ông đăng kí thương hiệu Tập đoàn máy tính Dell và chính thức đi vào hoạt động. Chỉ bốn năm sau, công ty Dell được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và trong đợt phát hành đầu tiên đã thu về 30 triệu đôla. Năm 27 tuổi, Michael Dell là Tổng giám đốc trẻ nhất của một công ty nằm trong danh sách
Fortune 500. Tập đoàn máy tính Dell nổi lên như là một hiện tượng thực sự. Trong thập kỷ 90, cổ phiếu của Dell luôn luôn là sự lựa chọn số một, với giá trị tăng tới 90.000%.



Michael Dell
Theo Michael Dell, chìa khóa để dẫn tới thành công chính là khách hàng: "Ngay từ khi khởi nghiệp, toàn bộ quá trình kinh doanh của chúng tôi - từ khâu thiết kế, sản xuất đến khâu bán hàng đều được định hướng quanh việc lắng nghe ý kiến của khách hàng, trả lời khách hàng và cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn", Michael Dell cho biết . Những câu nói của Dell nghe thật bình thường trong môi trường cạnh tranh hiện nay, song tại thời điểm đó, xây dựng một nền kinh doanh bằng cách đặt khách hàng là trung tâm là một cái gì đó rất chung chung. Mô hình trực tiếp của Dell dựa trên mối quan hệ trực tiếp một - một giữa công ty và khách hàng - không có trung gian hay môi giới. (ó lần, Dell thí nghiệm với mô hình gián tiếp - bán một sản phẩm qua các cửa hàng máy tính - nhưng nỗ lực đó không thành công và Dell đã thề sẽ không bao giờ từ bỏ suy nghĩ ban đầu của mình. "Chúng tôi bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng. Có điều khá thú vị là chúng tôi đã không tiến hành sản xuất hàng loạt vì chúng tôi thấy trước mình sẽ trở thành một khối cồng kềnh và nặng nề trong tương lai, nhưng cơ bản là chúng tôi không có một chút vốn nào để sản xuất hàng loạt", Dell nhớ lại. Giống như những câu chuyện thành công khác, mô hình trực tiếp “sản xuất theo yêu cầu của khách hàng” mà Dell đề xuất không hề xuất phát từ tham vọng muốn cách mạng hóa toàn bộ ngành công nghiệp. Thay vào đó, nó đã được rèn giũa qua chiến lược “từ dưới lên trên” dựa trên nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.    

Bài học ở đây là những nhà quản lý muốn tạo dựng những thương hiệu thành công sẽ không thể thực hiện được điều này nếu chỉ áp đặt cách nhìn của bản thân (hoặc tồi tệ hơn, là cách nhìn của cả ban lãnh đạo) vào thương trường. Bằng cách này hay cách kia, cần thiết phải thiết lập được một cơ chế để giúp công ty biết sản xuất những sản phẩm thực sự đáp ứng mong muốn của những đối tượng khách hàng công ty nhắm tới. Dell cho biết các công ty khác phỏng đoán về mong muốn của khách hàng, còn công ty của ông lại biết rõ khách hàng muốn gì. Qua hàng trăm ngàn cú điện thoại, thư điện tử, và fax từ khách hàng, công ty đã thu được những thông tin cần thiết về những đặc tính của một máy tính mà người tiêu dùng sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Những thông tin này rất sát với chiến lược sản xuất của công ty: Không giống như những công ty cạnh tranh khác, Dell chỉ sản xuất sản phẩm khi có đơn đặt hàng. Ngoài việc loại trừ vấn đề hàng tồn kho và lưu chuyển tiền mặt, ưu thế của phương pháp này là đảm bảo yêu cầu của khách hàng được đáp ứng một cách chính xác. Trong một ngành công nghiệp máy tính cạnh tranh không khoan nhượng, ưu thế này đủ giúp công ty có được lợi thế quyết định.    


Cung cấp tận tay khách hàng chính xác những gì họ muốn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Dell. Ngoài ra, giá cả cũng là một nhân tố cần chú ý. Thành công của Dell không chỉ xuất phát từ việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng bằng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất mà còn với mức giá hợp lý nhất… Do không phải chi trả hoa hồng cho các nhà phân phối trung gian nào, Dell hoàn toàn có thể gián tiếp chuyển khoản tiền này tới khách hàng của mình. Đây thực sự là bài học bổ ích đối với các công ty đang hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đồng thời cũng là một thị trường hết sức nhạy cảm với giá cả. Mỗi khi một tổ chức có được những ưu thế quan trọng về chi phí, thì tốt nhất là hãy chuyển một phần hợp lý ưu thế giá cả đó cho người tiêu dùng. Điều này không có nghĩa là công ty không nên duy trì tỷ suất lợi nhuận biên hợp lý, nhưng việc vắt kiệt từng đồng xu ra khỏi giao dịch có thể đưa công ty từ chỗ có lợi nhuận vững vàng tới chỗ vấp ngã. Dell cũng thừa nhận Internet đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của Dell Computer, cho phép công ty dự đoán được nhu cầu của khách hàng với độ chính xác cao hơn nhiều so với trước kia. Đầu năm 2002, trung bình mỗi ngày công ty thu được khoảng 60 đến 70 triệu đô la từ việc bán hàng qua Internet, và Michael Dell không giấu hy vọng con số này sẽ gia tăng đáng kể trong vòng một vài năm tới.     


Câu chuyện về Michael Dell chỉ là một trong muôn vàn chuyện kể về những ông lớn trên thương trường, thành công trong các lĩnh vực. Mỗi người có những tư duy khác nhau trong từng hoàn cảnh nhưng tựu chung lại, họ đều vận dụng rất linh hoạt trí tuệ của mình. Một người làm kinh doanh luôn cần tâm sáng, khí lực dũng mãnh, phương cách làm việc logic, hành động nhanh nhạy và đặc biệt là trí tuệ hơn người để biết phán đoán, đưa ra những bước đi đúng đắn cho doanh nghiệp và đem lại hiểu quả cao trong kinh doanh.     


Có một câu chuyện từ thời Đông Chu Liệt Quốc: Biển Thước, một danh y thời Chiến Quốc, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, một hôm vào chầu vua Tề, thấy vua không được khỏe liền nói: “Thưa Bệ hạ, Bệ hạ có bệnh để thần chữa cho, bệnh của Bệ hạ còn ở phía ngoài da, dễ chữa trị lắm”. Vua Tề xua tay không để ý gì. Ít lâu sau, Biển Thước lại có dịp vào chầu, thấy vua Tề, Biển Thước vội vàng cúi đầu lui ra. Vua Tề thấy lạ liền hỏi: “Sao lần này khanh thấy Ta, khanh không nói gì?” Biển Thước trả lời: “Thưa Bệ hạ bệnh của bệ hạ đã vào đến lục phủ ngũ tạng rồi, thần không chữa nổi”. Thời gian sau đó, vua Tề phát bệnh rồi chết.


Chúng ta cũng giống như vua Tề,khi làm kinh doanh,chúng ta không biết chúng ta và doanh nghiệp chúng ta đang ở đâu và có bệnh gì. Chúng ta không biết mình đang đi về đâu, doanh nghiệp mình phục vụ ai. Chúng ta sẵn sàng từ chối mọi lời góp ý, phê bình và chẩn đoán. Chỉ đến khi nào tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát thì chúng ta mới để ý và tìm cách tháo gỡ. Đa phần các doanh nghiệp trong hoàn cảnh này đều đi đến chỗ đổ vỡ hay lâm vào tình trạng khó khăn nan giải.

          
Con đường đến với thành công trong kinh doanh vô cùng gian khổ. Sự lẫn lộn giữa cơ hội và rủi ro trong thị trường đôi khi làm lu mờ tầm nhìn của người lãnh đạo, làm mất đi sự định hướng đúng đắn cho công ty. Kinh doanh thường chú trọng đến thuyết tam tài, cửu tri nhưng kinh doanh thời đại mới ngày nay thì chỉ thế thôi chưa đủ mà các nhà kinh doanh còn cần chú ý đến lục bảo (sáu kho báu trong con người). Có câu nói nổi tiếng là “số phận chỉ tạo ra hoàn cảnh còn quyết định kết quả xấu tốt ra sao là do con người chúng ta suy nghĩ và hành động có đúng đắn hay không mà thôi”. Điều này cho thấy, trí tuệ con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó điều khiển mọi hoạt động của cá nhân. Người làm kinh doanh cần minh mẫn trong suy nghĩ, sáng tạo trong ý tưởng. Là ột sinh viên chuyên ngành quản lí nói riêng và những doanh nhân tương lai nói chung, chúng ta cần trau dồi thêm những kinh nghiệm sống, không ngừng học hỏi để trở thành một doanh nhân thành công cả về khía cạnh con người và khía cạnh là một nhà kinh doanh thành công trong sự nghiệp của mình



Sách DOANH TRÍ's Blog

                

0 nhận xét:

Đăng nhận xét