người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Nhập môn kinh doanh ẩm thực

Một sản phẩm độc đáo, vượt trội tự nó không làm nên một doanh nghiệp thành công. Muốn thành công, bạn phải có chuỗi phân phối, vốn, hệ thống sản xuất, các sáng kiến giảm giá thành và kế hoạch phát triển.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho những ai đang muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống và đặc sản: 
 


Hãy chọn kênh phân phối tốt nhất

Dù sản phẩm của bạn có tuyệt vời đến đâu, nó cũng chẳng là gì cho đến khi có người mua thưởng thức nó, tức là khi có khách hàng. Có hai cách để phân phối, đó là bán lẻ và bán buôn. Mỗi cách đều có mặt mạnh và mặt yếu riêng. Ban đầu, bạn hãy chọn chỉ một kênh phân phối và trung thành với nó đến khi kênh phân phối đó đổ vỡ. Sau đó, nếu còn lực thì mới mở rộng sang các kênh phân phối khác.  

• Bán lẻ tức là bán trực tiếp cho người mua, không thông qua môi giới hay trung gian. Kênh bán lẻ đặc sản có thể là các cửa hàng thực hoặc cửa hàng trực tuyến; các bữa tiệc tại gia; chợ nông sản, sạp hàng ven đường, trên phố; các hội chợ, triển lãm và các sự kiện tương tự; phát hành catalog. Bán lẻ đem lại lợi doanh thu tức thì và lợi nhuận thường cao gấp đôi bán buôn, đồng thời cho phép kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối. Tuy nhiên, điểm hạn chế của bán lẻ là doanh số bán hạn chế cũng như không gian trưng bày sản phẩm chỉ giới hạn ở quầy hàng thực hay trực tuyến. 

• Bán buôn nghĩa là bán sản phẩm cho một chủ thể khác, thường là các cửa hàng hoặc chuỗi cửa hàng thực phẩm và quà tặng, các nhà sản xuất giỏ quà, các nhà phân phối và những người trung gian. Đặc thù của bán buôn là làm sản phẩm tới người tiêu dùng nhanh hơn và rộng khắp hơn cũng như doanh số bán hàng lớn. Nhưng cái giá của bán buôn là khách hàng chỉ thanh toán sau 30-90 ngày và thường đòi hỏi chiết khấu cao cũng như các điều kiện quảng bá tốn kém. Thậm chí, khách hàng có thể yêu cầu bao gói riêng. Và khi người bán buôn sở hữu đứng tên và sử hữu sản phẩm, người sản xuất thường mất kiểm soát đầu ra sản phẩm, cả về không gian, thời gian.  

Định giá

Một quy tắc bất di bất dịch là giá của một sản phẩm phải cao ít nhất gấp 5 lần so với tổng chi phí  nguyên liệu, bao gói… Nếu thị trường không chấp nhận mức giá tính theo tỷ lệ này, hãy chuyển sang sản phẩm khác vì nếu không, sớm hay muộn bạn sẽ chỉ có lỗ.

Thu lợi ban đầu

Hãy xin các loại giấy phép kinh doanh, sản xuất sản phẩm tại nhà và nhanh chóng đưa nó ra kênh phân phối đã chọn càng sớm càng tốt. Như thế, bạn sẽ sớm biết được ít nhất 3 điều: khách hàng có mua sản phẩm đó không, sản phẩm đó có đem lại lợi nhuận không và có cần điều chỉnh gì không. 

Những doanh nhân non kinh nghiệm thường cho rằng họ sẽ bù lại khi sản xuất với số lượng lớn và lỗ vào giai đoạn đầu là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điều này có thể đúng với các sản phẩm y tế, phần mềm hoặc các sản phẩm công nghệ cao nhưng thường không đúng với các sản phẩm đặc sản. Nếu lãi không xuất hiện ở giai đoạn đầu, thì chắc chắn nó cũng không tồn tại ở giai đoạn sau, khi công ty phát triển và mở rộng.

Quản lý chi phí chặt chẽ

Khi tính lỗ lãi từ doanh số bán ban đầu, hãy trừ những chi phí sau để tính ra được lợi nhuận ròng: 

• Nguyên liệu: tính mọi chi phí bao gồm nguyên liệu, bao gói, nhãn mác, kệ nâng hàng, màng bọc, các phụ liệu như băng dính, hạt chống ẩm.

• Nhân công: tính thời gian phải bỏ ra để sản xuất “X” đơn vị sản phẩm rồi nhân số đó với chi phí nhân công thực tế theo giờ ở mức lương tối thiểu phổ biến, cộng thêm 25% cho các chi phí bắt buộc khác như thuế thu nhập, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Chia tổng này cho số lượng sản phẩm có thể bán để tính ra chi phí nhân công/đơn vị sản phẩm.   

• Chi phí bán hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị. Các tài liệu (tờ rơi quảng cáo), trang web, mẫu thử, biển hiệu, logo, quảng cáo (internet, in ấn, phương tiện truyền thông điện tử) v.v… tốn bao nhiêu chi phí?

Sau khi đã trừ các chi phí trên, mức lãi còn lại phải tương đối. Nếu không, các chi phí kinh doanh khác - tư vấn luật, kế toán, bảo hiểm, tiền thuê và đồ đạc, các chi phí văn phòng và các chi phí khác - rất có thể ngốn hết cả chỗ lãi đó và làm bạn trắng tay.  

Hãy nắm giữ tiền thật chặt và tái đầu tư khoản lợi nhuận ban đầu để nó tiếp tục sinh sôi. Cố gắng giảm chi phí bất cứ lúc nào miễn là không làm giảm chất lượng. Nếu có vay mượn, hãy vay mượn thông minh và chỉ mượn thêm khi bạn đã chắc chắn rằng khoản tiền đó sẽ khiến công việc làm ăn phát triển. Đừng bao giờ đặt cược mọi thứ vào một doanh nghiệp non trẻ vì có quá nhiều điều bạn không biết đang chờ ở phía trước.

Lập kế hoạch phát triển

Đáp ứng yêu cầu của những khách hàng lớn và những đơn hàng ùa đến như một cơn lũ sẽ là thiên đường khi bạn có sự chuẩn bị nhưng sẽ là địa ngục nếu bạn chưa sẵn sàng. Vì thế, ngay sau tín hiệu thành công đầu tiên, hãy bắt tay lập chiến lược, phương pháp, cách thức và cả công cụ để đối phó với tình huống phải tăng vọt sản lượng trong chốc lát. Hãy nghĩ thật xa và thật sáng tạo. Chẳng hạn, hãy thử tính cách bù đắp số nhân công thiếu đột ngột bằng cách “thuê” một nhóm/tổ chức đang gây quỹ, chẳng hạn như một nhóm cổ động của một trường trung học. Hãy xem liệu bạn có thể cải tiến các công cụ, dây chuyền để tăng tốc hoạt động sản xuất và đóng gói; tìm nhà đóng gói có thể cùng hợp tác sản xuất sản phẩm thay vì sản xuất chúng tại nhà.  

Thiết lập mạng lưới và học hỏi

Tham dự Hội chợ triển lãm thực phẩm và đồ uống để biết đối thủ và sản phẩm cạnh tranh trong ngành công nghiệp thực phẩm. Hãy đọc những tạp chí thương mại thực phẩm. Nghiên cứu mức độ cạnh tranh. Xây dựng mối quan hệ với những đồng minh và những nhà sản xuất các sản phẩm bổ trợ.



Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Học làm giàu/Suite101)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét