người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Báo động 'căn bệnh' vô cảm của teen

Một loạt những video đánh hội đồng bạn học gần đây được tung lên mạng không chỉ cho thấy sự nổi loạn và biến dạng nhân cách của các 9x, mà còn là sự thờ ơ đáng kinh ngạc của những cô cậu học trò đứng xung quanh.

Cô bé bị một nhóm nữ sinh xông vào hội đồng, trước sự bàng quan, thờ ơ của các bạn xung quanh. Ảnh từ clip
Tháng 3, cư dân mạng xôn xao với đoạn clip quay một cô bé tại trường THCS Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) bị đánh, chỉ với một lý do đơn giản: “Thằng anh mày dám chửi tao nên tao đánh mày đấy!”. Nạn nhân hoàn toàn không dám làm gì, mà chỉ đứng yên cho hết bạn này đến bạn khác xông vào đánh như một trò chơi. Trong khi hội "bạn" xung quanh đông nghịt đứng cổ vũ nồng nhiệt: “Xé áo nó đi!”, “Nhẹ thế!”, “Đánh đi nhanh lên!”, “Giựt tóc nó đi!”…

Liên tiếp sau đó là những clip bạo lực học đường tương tự được tung lên mạng, thường xuất phát từ những lý do rất "lãng xẹt". Trong hầu hết các vụ ẩu đả đều có nhân chứng là bạn bè xung quanh, nhưng rất ít trường hợp có ai đó đứng ra can thiệp.

Mới đây nhất, ngày 25/10/2010, cư dân mạng lại được dịp giật mình trước hành vi côn đồ của nhóm nữ sinh ở Cẩm Phả, Quảng Ninh với màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. Người quay lại những hình ảnh đó là một nam sinh. Kèm theo những lời chửi bới của những cô gái hành hung, còn là lời cổ vũ nhiệt tình, hứng khởi của anh chàng này: “Cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi…!!!”.

Không chỉ là những vụ đánh nhau, mà trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người cũng ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của những 9x.

Bà Hương, chủ một cửa hàng bán tạp hóa tại thị trấn Liễu Đề, Nam Định, kể lại, vài ngày trước, bà thấy một bé gái cấp một đạp xe đi học đến đoạn trước cửa nhà mình thì bị ngã, chảy máu đầu gối. "Khi con bé còn đang loay hoay chưa ra được khỏi xe thì mấy đứa con gái học cấp II đạp xe đi qua, thấy vậy chửi: Mày đi gọn vào, nằm lăn ra đường đợi mẹ mày đến đỡ à!", bà nhớ lại.

"Ngày xưa tầm tuổi chúng tôi mà thấy thế thì thể nào cũng dừng lại hỏi han xem em bé có bị đau không, bọn trẻ bây giờ vô tình vô nghĩa quá", bà lắc đầu buồn bã nói.

Chị Phượng, 45 tuổi, ở Thái Hà, Hà Nội, còn buồn hơn khi nhận thấy chính cậu con trai mình mắc "căn bệnh" trên. Một lần chị đi xe máy lên Đông Anh kiểm tra hàng, trên đường về bị va quệt với một xe máy khác, nên chân tay bị xây sướt. Về nhà, thấy mẹ đi tập tễnh, cậu con trai 19 tuổi chỉ hỏi thỏng một câu: "Chân mẹ làm sao vậy?". Nghe mẹ bảo bị tai nạn, cậu con trai chỉ nói thêm: "Thế ạ", rồi đi lên phòng luôn, khiến người mẹ phát khóc vì tủi thân.

Chị Phượng tâm sự đấy không phải là lần đầu, rất nhiều lần con trai đã tỏ thái độ thờ ơ như vậy. "Bố nó đi công tác xa, nên thường chỉ có hai mẹ con. Có những khi tôi kỳ công làm món ăn mà con thích, gọi con từ chiều là nhớ về ăn cơm tối nhưng đến gần mười giờ mới thấy con về, hỏi lý do còn về muộn thì biết là con đi sinh nhật bạn. Nó cũng chẳng buồn dặn mẹ hay hỏi han xem mẹ ăn uống thế nào nữa", chị kể.

Bức ảnh này được post lên facebook trong niềm
Bức ảnh này được post lên facebook với niềm "hớn hở" của chủ nhân, trong khi cả Hà Nội lo lắng sau vụ nổ ở Mỹ Đình hôm 6/10.

Ngay sau sự cố 2 container pháo hoa ở Mỹ Đình chuẩn bị cho Đại Lễ 1000 năm Thăng Long phát nổ trưa ngày 6/10, khiến 4 người chết, dân chúng rất lo lắng. Các phương tiện truyền thông cố gắng phản ánh nhanh nhất, đầy đủ nhất tình hình. Nhưng đến tối, chủ nhân của một facebook vẫn post ảnh hớn hở cười đùa trên khung nền là đám khói đen khổng lồ. Một vài tấm được những bạn có mặt trong ảnh bình luận rất nhiệt tình. Có nick thì nức nở “khen”, và vài nick khác thì liên tục hưởng ứng. Ở một bức ảnh khác ghi lại cảnh nổ dữ dội, ngay dưới lại chình ình comment: “Quá đẹp!”.

Với “tư cách” là người có mặt ở gần hiện trường, ảnh của bạn trẻ này được một vài forum, trang facebook khác copy lại, và chủ nhân tỏ ra rất... tự hào, không hề biểu lộ một chút cảm thông nào với nạn nhân của vụ tai nạn.

Tâm lý sống "chỉ biết mình" khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Cô Lan, giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội, người đã theo nghề hơn mười năm, cũng thừa nhận có sự thay đổi rõ rệt về phẩm chất đạo đức của các thế hệ học trò.

"Nếu 4 năm trước đây, học sinh ngoan và rất chịu khó nghe giảng trong lớp thì đến bây giờ việc học sinh cãi nhau tay đôi với cô khi bị nhắc nhở trên lớp là bình thường, trong khi rõ ràng là em học sinh đó đang quay bài trong lớp”, cô Lan chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên trường THPT Đống Đa, tâm sự: “Những khóa học sinh trước dù đã ra trường lâu rồi nhưng khi gặp lại thầy cô vẫn chào hỏi, nhưng nhiều học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhìn thấy thầy cô thậm chí còn tảng lờ, coi như không nhìn thấy”.

Sự thay đổi cách nhìn nhận và phản ứng giữa nhiều thế hệ là chuyện bình thường, nhưng đi xuống về nhân cách lại là một vấn đề đáng bàn. Chuyên gia tư vấn tâm lý Triệu Hồng Như tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội, cho rằng: “Cách phản ứng, hành vi của trẻ một phần là do học ngoài xã hội và một phần là do gia đình, cũng có khi là do lối sống mà các em tự tạo dựng… Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi”.

Để giảm tình trạng này thì cần sự chung tay của cả gia đình và nhà trường, "hướng các em đến những sinh hoạt gia đình quan trọng và những hoạt động trong trường lớp để tạo sự gắn kết thực tế, chứ không chỉ là là gắn kết ảo như trên các mạng xã hội", chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng Phương Thảo - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét