Hố “đen” kéo sập nhà dân
Mỗi chiếc hố có đường kính chừng 30 đến 40 cm, hố lớn đường kính rộng tới 1m. Khi chúng tôi lấy cây sào dài gần 2m thử đo độ sâu của một chiếc hố thì thấy hụt cả cán sào. Theo quan sát của PV, sau khi sụt theo phương thẳng đứng, những chiếc hố bắt đầu xiên ngang, xiên dọc, sâu hun hút, nên rất khó xác định điểm dừng.
Nguy hiểm nhất là những chiếc hố luôn đột ngột xuất hiện, không hề báo trước, Chị Yến cho biết: “Có lần tôi đi ra vườn hái rau, bước vào một mô đất khô, nhìn khá chắc chắn, thì đất dưới chân bỗng dưng sụt xuống, tôi nhảy vội ra, hoảng hồn quay lại nhìn đã thấy một chiếc hố mới sâu hoắm”.
Không chỉ gia đình chị Yến mà khoảng chục hộ dân ở xóm Nội, thôn Tân Phong, xã Phong Vân vẫn đang ngày đêm lo sợ hố “đen” bỗng dưng xuất hiện như những chiếc “bẫy”, có thể kéo tụt cả người xuống bất cứ lúc nào.
Người dân tìm đủ cách đối phó với hố “đen” nhưng cũng chỉ là tạm thời. “Hễ thấy hố xuất hiện là chúng tôi lại thi nhau xúc đất lấp đi, đút rơm rạ vào miệng hố để tránh nguy hiểm, không cho gia súc, gia cầm rơi xuống, nhưng vừa lấp hôm trước, hôm sau đã thấy hố mới, cả xóm tôi lo nơm nớp vì không biết nhà cửa sẽ sập lúc nào”, anh Nguyễn Việt Hoa, một người dân xóm Nội lo lắng nói.
Người dân ở khu vực này cho biết, những chiếc hố như vậy đã có cách đây chừng 3, 4 năm nhưng mật độ ít và chỉ có ở 1, 2 hộ dân. Bắt đầu từ mùa mưa, khoảng tháng 4 năm nay, đặc biệt là sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cuối tháng 8 vừa qua, chúng hiện diện ở khắp nơi trong vườn, sân, ngoài ngõ thậm chí sát mép móng nhà khiến người dân hoảng sợ.
Nửa đêm hà bá “ngoạm" đường
Theo phản ánh của người dân, hàng năm, xóm Bãi đều xảy ra hiện tượng sạt lở nhưng chưa năm nào nặng nề như năm nay. Cung sạt lở đã ăn sâu vào phía trong, hàng chục căn nhà chênh vênh bên mép nước, có gia đình bị cô lập hoàn toàn với thôn xóm vì chỉ qua một đêm, đường đi đã bị “hà bá” ngoạm hết.
Người dân xót xa nhìn hoa màu, cây cối lao theo dòng nước. Nhiều gia đình tìm cách buộc dây thừng những cây ở sát mép nước vào thân cây ở phía trong để nếu đất có lở vẫn giữ được cây.
Khu vực sạt lở hiện nay của toàn xã Tân Phong hiện đã kéo dài 776m, trong đó đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất vào khoảng 450m. Hiện từng mảng đất lớn vẫn tiếp tục nứt ra tạo thành những bờ vực thẳng đứng, cao gần 10m đe dọa tính mạng, tài sản người dân nơi đây.
Mòn mỏi chờ nơi ở mới
Ông Trương Công Định, Trưởng công an xã Phong Vân, cho rằng nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún có thể do cấu tạo địa chất tại khu vực ven sông Đà yếu, thêm đó, xã Phong Vân lại nằm ở khu vực ngã ba sông, nơi sông Đà và sông Thao hợp lưu. Thời gian gần đây, sông Thao thay đổi dòng chảy, thúc mạnh sang phía bờ thuộc địa phận xã Phong Vân.
Trao đổi với PV, ông Lưu Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phong Vân, cho biết, ngay khi hiện tượng sụt lún, sạt lở xảy ra trên địa bàn, xã đã lập tức làm báo cáo gửi lên UBND huyện Ba Vì xin ý kiến chỉ đạo.
Sáng ngày 29/8, 15 hộ trọng diện đặc biệt nguy hiểm đã được khẩn trương di rời đi nơi khác bằng cách ở nhờ gia đình người thân hoặc chuyển vào kho thóc, khu đất trống trong địa bàn xã. UBND xã cấp bạt, dây điện cho các hộ dựng lán, lều ở tạm, thậm chí còn đồng ý cho dân đến ở tại tầng hai của trụ sở UBND xã.
Tuy nhiên sau khi thực hiện di dời được một thời gian ngắn, các hộ lại bất chấp nguy hiểm, tự ý quay trở về nơi ở cũ vì còn nhiều vấn đề bất cập trong sinh hoạt. “Họ cũng không thể ở nhờ mãi như vậy được, việc cần làm ngay hiện nay là lập tức xây dựng khu tái định cư an toàn trong người dân trong xã và thực hiện ke bờ sông”, ông Hạnh nói.
Ông Hạnh cũng cho hay, hiện UBND xã đã tìm được hai khu đất với tổng diện tích 29000 m2 cho người dân vùng sạt lở tái định cư. Ngày 27/9 vừa qua đã trình lên UBND huyện Ba Vì, chỉ còn chờ UBND thành phố Hà Nội ký quyết định thành lập dự án để triển khai.
“Người dân xã Phong Vân chúng tôi đang ngày đêm mong mỏi UBND thành phố phê duyệt, sớm ngày nào, người dân được đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản ngày ấy”, ông Hạnh nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét