người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Tê giác hy sinh sừng để giữ tính mạng

Con tê giác bỏ chạy khi nghe tiếng gầm rú trên không, nhưng mũi tên phi tiêu tẩm thuốc mê đã đuổi kịp, găm vào mình nó. Con vật đổ nhào. mê man. Một người trên trực thăng nhảy xuống, tay cầm chiếc cưa máy.
Nhân viên bảo vệ rừng cắt sừng tê giác bằng cưa
Nhân viên bảo vệ rừng cắt sừng tê giác bằng cưa trong công viên quốc gia Chipinge của Zimbabwe hôm 8/10. Ảnh: AFP.

Vô số mảnh vụn giống như móng tay văng ra khi người đàn ông cưa sừng con vật. Vài phút sau con tê giác tỉnh dậy và chạy bạt mạng theo bản năng.

Chiếc sừng trên đầu nó không còn, song chính vì thế mà nó sẽ bị loại danh sách tìm kiếm của những kẻ săn trộm.

Đó chỉ là một trong số những con tê giác bị cắt sừng tại công viên quốc gia Chipinge Zimbabwe, theo AFP. Các công viên quốc gia của Zimbabwe và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) đang thực hiện chiến dịch cắt sừng tê giác vì cho rằng đây là chiến lược cần thiết để bảo vệ mạng sống của chúng.

“Cắt sừng tê giác đồng nghĩa với việc lấy đi phần thưởng của những kẻ săn trộm. Săn bắt trái phép là công việc bao gồm cả lợi ích và rủi ro. Đối với bọn săn trộm, sự thiếu vắng chiếc sừng trên đầu tê giác đồng nghĩa với việc săn tê giác không mang đến lợi ích nữa”, Raoul du Toit, một chuyên gia của Quỹ Lowveld Rhino tại Zimbabwe, phát biểu.

Theo thống kê của WWF, 300 tê giác đen bị giết tại Zimbabwe vào năm 1995 nhưng sau đó con số này tăng lên gần gấp đôi trước khi giảm xuống còn 400 trong năm ngoái. Trong khi đó, Quỹ Tê giác Quốc tế khẳng định hoạt động săn bắt trái phép tê giác lên tới mức cao nhất tại châu Phi trong năm 2009.

Một chuyên gia của WWF cầm hai chiếc sừng tê giác
Một chuyên gia của WWF cầm hai chiếc sừng tê giác được cưa trong công viên quốc gia Chipinge của Zimbabwe hôm 8/10. Ảnh: AFP.

Tại Zimbabwe, nơi chỉ còn 700 con tê giác, lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phải đối mặt với những nhóm thợ săn được trang bị mọi loại súng như quân đội. Họ bắn chết những con tê giác để lấy sừng. Sau đó những chiếc sừng được đưa tới châu Á với giá cao ngất ngưởng. Tại châu Á người ta dùng sừng tê giác để làm thuốc.

“Những kẻ săn trộm tại Zimbabwe tập hợp thành nhiều nhóm và rất liều lĩnh. Trong lúc đuổi theo tê giác, nếu nhìn thấy nhân viên bảo vệ rừng họ sẵn sàng xả súng mà không hề do dự. Vô số cuộc đọ súng đã xảy ra và nhiều thợ săn phi pháp mất mạng. Số nhân viên bảo vệ rừng chết rất ít, song phần lớn là do may mắn”, Du Toit nói với AFP.

Nhu cầu đối với sừng tê giác tại châu Á rất cao. Người châu Á tin rằng sừng tê giác có thể chữa được rất nhiều bệnh – từ đau đầu tới yếu sinh lý. Vì thế nhiều tập đoàn tội phạm có tổ chức săn tê giác để lấy sừng.

Nam Phi và Zimbabwe là hai điểm nóng về tình trạng săn bắt tê giác. Hầu như toàn bộ 470 tê giác bị hạ sát tại châu Phi từ năm 2006 tới 2009 sống ở hai quốc này, trong đó một nửa bị giết tại Zimbabwe.

Minh Long - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét