người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Khát ở vùng lũ

Ngâm chân trong biển nước, nhưng hầu hết gia đình ở vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, những ngày này đang phải đi hàng cây số xin từng can nước sạch về dùng, có hộ nhắm mắt dùng liều nước giếng đục ngầu.

Nằm cạnh sông Ngàn Sâu, xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đợt vừa qua. 80% nhà dân bị ngập, giếng khơi bị ngâm trong bùn, nguồn nước từ khe, suối đều đục ngầu và chứa nhiều rác rưởi. Từ những ngày lũ, người dân đã phải sống nhờ vào các chai nước sạch cứu trợ, hiện nay nước rút, để lại lớp bùn đỏ quạch và vô số giếng nước đục ngầu, không thể sử dụng được.

khát nước sạch
Từ hai tuần nay, chị Lê Thị Nga và những gia đình khác ở xã Đức Lạng phải sử dụng nguồn nước giếng đục ngầu, đỏ quạch. Ảnh: Nguyên Khoa.

Ngồi bần thần bên xô nước đục ngầu, chị Lê Thị Nga ở xóm Yên Thọ, xã Đức Lạng buồn rầu nói: “Nhà tui nằm cạnh sông Ngàn Sâu, nước thì nhiều nhưng mà bị ô nhiễm kinh khủng. Thiếu nước sạch, nhiều hộ đã phải đi rất xa xin nước về dùng, một số nhà cứ nhắm mắt uống tạm nguồn nước giếng bẩn”.

Không riêng gì xã Đức Lạng, người dân những xã ngập khác của huyện Đức Thọ như Đức Đồng, Đức Long, Đức Lạc,… cũng đang phải sống trong cảnh "khát trên miệng giếng".

Tại vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh), người dân cũng đang thiếu nước sạch trầm trọng. Chịu ảnh hưởng của 2 trận lũ liên tiếp, gần như 100% giếng ở đây bị ô nhiễm, số nước sạch đóng chai cứu trợ không đủ dùng, từ vài ngày nay, người dân buộc phải sử dụng nước sông, giếng bẩn để sinh hoạt.

Dùng nước giếng bẩn
Hầu hết giếng ở vùng lũ đều bị ngập sâu. Ảnh: Nguyên Khoa.

“Nhà mô có thì cho phèn chua hoặc thuốc làm trong nước vào rồi sử dụng, những nhà không có thì phải tìm cách lọc bớt bùn đất rồi mà dùng tạm thôi, lụt thì lút cả làng, không biết đi xin nước sạch ở mô cả”, anh Hồ Văn Khá ở xã Phương Mỹ, tâm sự.

Tại Nghệ An, trong khi lũ đã rút trên diện rộng thì nhiều khu vực trũng, thấp của huyện Hưng Nguyên, nước vẫn bao vây tứ bề. Người dân các "ốc đảo" này cũng rơi vào tình cảnh sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm vì ngập lụt. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Hưng Phúc cho biết: “Nước ngập đến gần lút chạn, cả làng tui đều phải chạy lụt, thiếu nhất là nước sạch, từ lâu nay, dân làng bầy tui sống nhờ những bể nước mưa nhưng nay các bể đều cạn kiệt, một số bị ngập sâu,… Bà con phải chèo đò đi xin nước”.

Ông Nguyễn Văn Đề phó chủ tịch xã Long Thành - vùng ngập lụt nặng nề nhất của huyện Yên Thành - cho biết: “ Toàn xã có 70 giếng nuớc công cộng và hơn 1.000 giếng nước của dân. Tất cả đều bị ngập, bị ô nhiễm. Nước sạch cho dân là vấn đề bức bách hiện nay”.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm y tế dự phòng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang tiến hành dùng cloramin B và phèn chua để khử nước cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi lũ rút, các trung tâm y tế dự phòng những vùng bị ngập đã tiến hành hướng dẫn bà con cách khử khuẩn, khử trong nguồn nước để sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước, về lâu dài, người dân cần phải có các biện pháp tự khắc phục ô nhiễm như dọn lại các giếng khơi, ao hồ,…

Hà Nguyên Khoa - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét