Theo GS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên Môi trường Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến bão lũ ngày càng khốc liệt là do nhân tố con người. Ông Quyền nhận xét hiện trạng phá rừng trồng cao su tại các tỉnh miền Trung đang làm cho nhiều địa phương không còn kiểm soát được việc bảo vệ rừng.
Ông Quyền cho biết, riêng trong năm 2010, Hà Tĩnh dự kiến sẽ bỏ 9.000 ha rừng để trồng cao su; ở Nghệ An, tỉnh vừa có quyết định phê duyệt diện tích 30.000 ha trồng cây cao su.
“Phá rừng trồng cao su dẫn đến mất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Rừng mới trồng thì không thể điều hòa nguồn nước. Rừng là sự sống còn của miền Trung", ông Quyền nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội, Hội bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, cho biết, do đặc thù địa lý khu vực miền Trung rất nhạy cảm với lũ lụt, nên khi xây dựng công trình nào cũng phải quan tâm đặc biệt đến đặc điểm của khu vực đó. Các công trình thủy điện ở miền Trung có quy mô vừa và nhỏ, nhiều bậc, nằm ở địa hình cao và gần các cửa sông, có đoạn trung lưu rất ngắn, khiến cho lũ khó thoát, dòng nước vốn mạnh càng mạnh hơn, kéo dài, gây thiệt hại cho vùng hạ lưu, nhất là vùng cửa sông.
Bên cạnh đó, hầu hết các công trình thủy điện đều nằm sâu trong rừng đầu nguồn, nơi đảm nhiệm chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng. Theo tính toán, để tạo ra 1MW điện, phải lấy đi ít nhất 10 - 30 ha rừng. Để có được 1000 ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000 - 2.000 ha đất ở thượng nguồn.
"Ngoài diện tích rừng bị phá để làm thủy điện, các diện tích rừng xung quanh cũng bị san phẳng để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị, thậm chí còn tiếp tục bị chặt phá để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ", ông Hòe lưu ý.
Mưa lũ ngập lụt tại các tỉnh Miền Trung. Ảnh: Trường Long. |
Tuy nhiên cũng có những nhà khoa học cho rằng việc phát triển thủy điện không có lỗi. Vấn đề nằm ở quy hoạch và việc vận hành các nhà máy thủy điện, theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Tại đập Hố Hô ở Hà Tĩnh, trong trận mưa lớn hồi đầu tháng 10 các cửa xả không được mở gây nguy cơ vỡ đập. Về nguyên tắc, các hồ thủy điện phải được thiết kế cho nhiều mục tiêu, gồm phát điện, thủy lợi và phòng chống lũ. Các thủy điện ở miền Trung nhỏ nên khả năng điều tiết lũ là không đáng kể, chủ yếu chỉ cấp điện và phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.
Theo giáo sư Vũ Trọng Hồng, Tổng thư ký Hội Thuỷ lợi, nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, không nên làm nhiều thủy điện ở miền Trung, vì miền Trung là đất cát, nền không chắc chắn như ở miền Bắc.
Ông Hồng cho rằng, ưu tiên trước hết ở miền Trung lúc này là phát triển rừng và khôi phục rừng bị xâm hại. Có rừng mới có thể trữ nước và cung cấp nước. Khi lũ đến, rừng sẽ là “lá chắn” quan trọng là làm nhiệm vụ tích nước.
Hương Thu - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét