Ông Bảy Thấp, tên họ đầy đủ là Trương Văn Thấp, năm nay đã 72 tuổi, ở thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.
Từ những năm 1980, ông là một trong những người đầu tiên ở xã Vĩnh Trung cùng chính quyền địa phương vận động người dân dời nghĩa trang vào sát núi, dành đường cho quốc lộ. Từ đó, ông gắn bó tự nguyện với nghĩa trang, huy động những người cao tuổi trồng cây, dọn vệ sinh cho khuôn viên này. Nhiều người dân địa phương hàm ơn ông, nói đùa: "Ông Bảy tên là Thấp nhưng việc làm của ông cao cả khiến ai cũng phải ngước nhìn".
Thôn Võ Cang trước đây có hai nghĩa trang. Một của dân làng nằm sát mặt đường quốc lộ, một của giáo dân. Việc chôn cất gây mất vệ sinh cũng như mỹ quan đô thị. UBND xã muốn di dời 2 nghĩa trang này vào gần núi nhưng gặp sự phản đối kịch liệt của người dân. Ông Bảy Thấp cùng chính quyền xã vận động rất nhiều nhưng chỉ nhận được sự dè bỉu và thái độ bất hợp tác của bà con.
Có nghĩa trang mới nhưng không có ngôi mộ mới nào. Lúc ấy, mẹ của một cán bộ cấp ủy qua đời được chôn cất tại nghĩa trang mới. Người dân xì xào: “Đem lên đó chôn để cho cọp moi ăn à?”. Thế nhưng dần dà địa thế đẹp, yên tĩnh của nơi đây khiến nhiều người chủ động bốc mộ của người thân di dời vào nghĩa trang mới.
Nghĩa trang mới lập phải đi qua đường ray xe lửa. Ông Thấp cùng bạn bè trong hội người cao tuổi lại phải cơm đùm cơm nắm đi làm thủ tục xin cho đám tang đi qua, mất năm lần bảy lượt mới được sự đồng ý của ngành đường sắt.
Chính quyền xã xây dựng con đường bê tông vào tận trong nghĩa trang với hai nhánh rẽ vào hai khu vực mộ của người dân và của giáo dân. Ông Thấp vẫn thường xuyên lui tới trông nom, thắp hương, vệ sinh cho nhà linh và các ngôi mộ.
Cụ Thấp đào hố trồng cây cho nghĩa trang. Ảnh: Tường Châu |
Một lần đến nghĩa trang, ông thấy nơi đây không có bóng cây, người đi đưa tang đứng chen nhau dưới nắng. Sẵn nhà có cây giống, ông bàn với những người bạn trong hội cao tuổi đưa phượng đến trồng để có bóng mát.
Bài thơ "Trồng cây" của cụ Thấp:Hội người cao tuổi thôn Võ Cang |
Nghĩ là làm, các cụ già mang cuốc, xẻng, xà beng đến nghĩa trang đào lỗ trồng phượng. Họ đào và trồng được 19 cây phượng dọc hai bên đường, còn rào giậu để trâu bò không vào phá, rồi thay nhau chăm sóc, bón phân, bắt sâu. Đến nay cây cao nhất đã gần 3 mét, thấp nhất cũng hơn một mét. Cứ cách 2-3 ngày, ông Thấp lại đến khai rãnh để cây thoát nước và chăm sóc như ngày đầu mới trồng.
Người vào nghĩa trang thăm viếng ai cũng khen hai hàng cây xanh tốt và đẹp quá. Nhiều người đi thăm mộ thấy các ông cụ hì hục bên những cây phượng cũng xúm vào giúp sức, có người giúp phân bón, thuốc sâu để chăm cho cây mau lớn.
Ông bảo: “Cái gì có ích cho xã hội thì mình làm thôi”. Cũng như mỗi lần vào nghĩa trang, ông lại thấy buồn: “Đám tang người sống đốt vàng mã cho người chết, giấy đốt thành tro bụi chứ người chết có hưởng được đâu mà nhà nhà vẫn rải khắp nơi. Mỗi lần vào đây dọn dẹp lại thấy giấy bay ngổn ngang, tôi vừa tiếc cho sự phung phí vừa ô nhiễm môi trường”. Thế là ông bắt tay dọn vệ sinh cho "làng của người chết".
Không chỉ có thế, ông Thấp còn quét rác cho cả xã. Bà con ở xã Vĩnh Trung không lạ gì hình ảnh ông già hơn 70 tuổi sáng sáng lại quét rác cho đường phố sạch đẹp và có công xây dựng hố rác nơi đây.
Trước kia người trong xã có thói quen đổ rác thành đống ở ngay ngã tư, người đi qua còn chịu không nổi mùi hôi. Thấy vậy ông Bảy vận động hội người cao tuổi xắn tay dọn đống rác, rồi cứ 3h sáng ông thức dậy ra ngồi canh gác để hướng dẫn mọi người đổ rác đúng nơi quy định. Việc này đã thành lệ, đến nay nhiều người dân cùng với ông tham gia nhắc nhở những ai không đổ rác đúng nơi, yêu cầu giữ vệ sinh chung.
"Vui nhất là mình được sống trong lòng dân và được mọi người tin tưởng, ủng hộ”, ông cụ cười hồ hởi nói.
Các cụ khác trong hội người cao tuổi cùng với ông Thấp hàng ngày chăm sóc, trồng cây cho nghĩa trang. Ảnh: Tường Châu |
Chính quyền địa phương cũng như bà con nơi đây đều đánh giá cao việc làm của ông. Người trong xã cũng không quên người đã có sáng kiến lập hộp từ thiện đặt tại nhà, mỗi ngày đi chợ dành lại 500 đồng bỏ vào hộp làm quỹ tiết kiệm để phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Cứ 4 tháng sẽ thu gom và mở ra, số tiền này được dành để chăm sóc thêm cho hội viên và gia đình nào có người đau ốm, lễ tết, lũ lụt…
Ông Bảy Thấp chia sẻ: “Tôi là một người lính, một người Đảng viên trưởng thành trong chiến đấu, suốt đời nghe và học tập theo lời Bác dạy. Làm theo Bác không phải học lý thuyết suông mà phải bằng hành động. Tuổi cao sức yếu không làm được việc lớn thì tôi làm việc nhỏ có ích cho xã hội và giáo dục con cháu noi theo”.
Tường Châu - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét