Ảnh: inmagine.com. |
“Một số người cho rằng phụ nữ là phái yếu. Nhưng khi bị thương, phụ nữ lại tỏ ra vượt trội hơn đàn ông về khả năng sinh tồn”, tiến sĩ Adil H. Haider của trường đại học Y khoa Johns Hopkins tại Mỹ cho biết.
Trong một bài viết trên tạp chí Trauma của Mỹ, Haider cho biết, ông và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu về tỷ lệ sống sót của 48.394 người bị chấn thương nghiêm trọng. Họ là những người mắc chứng huyết áp thấp ở mức đáng báo động do hậu quả của chấn thương. Dựa vào độ tuổi, đối tượng nghiên cứu được chia thành 3 nhóm: dưới 12 tuổi, trên 65 tuổi và từ 13 - 64 tuổi. Nhìn chung, nhóm ở độ tuổi dưới 12 và trên 65 có lượng hoóc môn dục tính nữ thấp hơn nhóm tuổi 13-64.
Trong nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở xuống, 29% nam giới qua đời, trong khi con số này ở nữ là 24%. Với những người tuổi từ 13 - 64, tỷ lệ qua đời ở nam giới là 34% còn phụ nữ là 30%. Đối với nhóm trên 65 tuổi, có 36% nam giới không qua khỏi chấn thương, trong khi ở phụ nữ là 31%.
Haider cho biết, sau khi xem xét đến các yếu tố như tuổi tác, mức độ nghiêm trọng, loại chấn thương, cách thức bị thương, họ thấy rằng tỷ lệ sống sót của phụ nữ cao hơn đàn ông 14%. Ngoài ra, có thể có các yếu tố khác tác động, nhưng hoóc môn dục tính nữ có khả năng là yếu tố quan trọng nhất đối với tỷ lệ sống sót.
"Khả năng sống sót cao khi bị chấn thương của phụ nữ có thể có nguồn gốc từ hoóc môn dục tính. Trong một vài trường hợp, hoóc môn dục tính nữ có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của con người", Haider nhận định.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu những hoóc môn dục tính nữ như estrogen hay việc có lượng hoóc môn giới tính nam testosterone thấp là yếu tố làm tăng tỷ lệ sống sót khi bị thương. Ngoài ra, nghiên cứu này mới chỉ được tiến hành trên một nhóm đối tượng là những người bị thương.
Trong tương lai, các nhà khoa học muốn đo lượng hoóc môn ở những người bị thương nặng để kiểm tra liệu lượng hoóc môn dục tính khác nhau thì có ảnh hưởng đến khả năng sống sót hay không.
Ngọc Thúy - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét