người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Trẻ ùn ùn phát bệnh sau lũ

Từ 300 ca mỗi ngày, trong tuần qua, số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Nghệ An đã tăng gấp đôi. Các bác sĩ cho biết, viêm da, loét miệng, tiêu chảy, đau mắt đỏ và viêm phế quản là những bệnh thường thấy nhất.

Đưa con đến bệnh viện, chị Mỹ Hương nhà ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, trong nhà có 3 trẻ em thì hai bé đã bị tiêu chảy. Trước đó, có hai người lớn cũng bị bệnh này.

Theo chị Hương, việc nước ngập cao, phải sống cùng với vô số rác thực vật, xác động vật chết trôi có thể là nguyên nhân khiến cả nhà bị bệnh.

* Phụ huynh rồng rắn đưa con đi khám bệnh
Hàng trăm bệnh nhi mắc bệnh sau lũ được khám tại trường tiểu học Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Thiên Chương.

Cùng đưa con đến bệnh viện khám, anh Hào nhà ở Can Lộc cho biết cả hai con của anh đều bị tiêu chảy. Trong trận lũ vừa qua, nhà anh cũng bị chìm trong nước, cả nhà phải tạm dời lên ở tạm tại một gò đất cao, việc sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Tại điểm khám ở trường tiểu học Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) trưa 29/10, hàng trăm trẻ đã được phát hiện mắc bệnh, trong đó, nhiều bé bị tiêu chảy do gia đình bị ngập nặng, không có đủ nước sạch để dùng phải dùng tạm nước sông. Một số bé bị đau mắt đỏ, hoặc viêm da do thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn. Không ít bé bị lở miệng do phải ăn mì tôm sống thường xuyên trong những ngày nước dâng.

Bác sĩ Võ Mạnh Hùng, Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết, từ sau đợt lũ, mỗi ngày có 600 - 700 bệnh nhi được bố mẹ đưa đến khám với các bệnh thường thấy như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm phế quản, viêm da trong khi trước đó chỉ 300-400 bé. Nguyên nhân theo ông Hùng là do ảnh hưởng của lũ và thời tiết trở lạnh.

Thống kê ban đầu cho thấy, trong những ngày qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gần 2.500 nghìn trường hợp bị đau mắt đỏ, bằng ấy người bị viêm da và hơn 100 trường hợp tiêu chảy, trong đó nhiều bệnh nhân là trẻ em.

Ngoài môi trường bị ô nhiễm sau lũ, thì trời trở rét theo các bác sĩ cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh. Ảnh: Thiên Chương.

Tại Bình Định, nơi có gần 5.000 nóc nhà bị ngập, gần một tuần qua, lượng bệnh nhi ngụ tại huyện Phù Cát mắc chứng tiêu chảy, viêm họng, đau mắt đỏ đến cơ sở y tế khám cũng tăng nhanh. Theo các bác sĩ, hầu hết gia đình của các bé đều sống trong cảnh ngập úng trong đợt lũ.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng đã cấp 200 cơ số thuốc cho tuyến y tế địa phương để phát cho người dân. Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh này cũng đã phối hợp với các quận huyện để dọn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước.

Về phía người dân, các Sở y tế khuyên nên thực hiện "ăn chín, uống sôi ", rửa tay sạch trước khi ăn, bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn. Nếu dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch phải làm trong và khử khuẩn. Về vệ sinh môi trường, cần thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ. Nơi chôn không được gần nguồn nước sinh hoạt.

Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tới thị sát, kiểm tra công tác y tế tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Bộ trưởng chỉ đạo các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến dịch bệnh sau lũ đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và bệnh tiêu chảy và bằng mọi cách không để dịch lây lan.

Thiên Chương - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét