người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Cơn đau mơ hồ của giới văn phòng

Nhân viên văn phòng thường đi khám vì những triệu chứng rất mơ hồ, gọi là bệnh cũng được mà gọi là không bị bệnh cũng được. Những lời khai bệnh này rất khó khăn cho bác sĩ chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ ràng, lẫn lộn giữa bệnh này với bệnh khác.


Có sức khỏe mới làm tốt công việc

Đau chỗ này, khó chịu chỗ kia

Đa phần các bệnh nhân khi kể bị đau chỗ này một chút, khó chịu chỗ kia một chút đều có chung triệu chứng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không tập trung làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ. Phải hỏi kỹ mới biết phần lớn họ đều làm việc quá sức, áp lực nhiều.

Có người vì được cấp trên tin tưởng, việc lớn nhỏ gì cũng giao, từ chối sợ mất lòng, nhận thì làm ngày làm đêm cũng không xuể. Trái lại, người không được cấp trên tin giao việc thì vì muốn thăng tiến, muốn được nhận lương cao nên tự nhận thêm việc, cố gắng để hy vọng được lòng sếp, dẫn đến cũng bị áp lực như người được tín nhiệm.

Đến một lúc cơ thể hết chịu đựng nổi thì việc gì đến sẽ phải đến: mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này, nhức mỏi chỗ kia. Rất mơ hồ. Rất khó điều trị.

Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy, trầm cảm là một hệ quả tất yếu của quá trình lao động quá bị áp lực và thường xuyên cố gắng làm vừa lòng những đòi hỏi của người khác, bất luận khả năng có thể của mình. Đa số những người này đều là nạn nhân của những ông, bà sếp có suy nghĩ coi con người là một cái máy biết làm việc.

Chuốc bệnh từ phòng lạnh, ngồi lâu

Thực tế thăm khám cho thấy vấn đề sức khoẻ thông thường nhất của giới văn phòng chính là viêm mũi xoang. Suốt ngày làm việc trong môi trường máy lạnh, tưởng tốt nhưng thực tế không phải. Không khí văn phòng lưu cữu vì máy lạnh, không có sự thông thoáng để giúp làm sạch môi trường xung quanh.

Chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây bởi hầu hết hệ thống lạnh của các văn phòng không được làm vệ sinh thường xuyên và môi trường lạnh, ẩm rất thuận lợi cho vi trùng, các siêu vi trùng lây lan.

Một số nhân viên khác do ngồi nhiều, ít vận động nên cũng dễ dàng bị suy tĩnh mạch chân, sưng phù, chuột rút… Hoặc nhận lãnh một số hậu quả cho sức khoẻ do sử dụng máy vi tính liên tục như giảm thị lực, đau vai, đau cổ tay và nhiều rối loạn thần kinh khác.

Ở Nhật Bản, nơi mà áp lực làm việc văn phòng có thể nói kinh khủng, các nhân viên thường có những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc. Lúc đầu cũng có nhiều người cho rằng đây là trò phù phiếm, không có tác dụng.

Về sau họ nhận thấy những bài tập đó rất tốt, nó giúp tránh được các khó chịu thường trực và các bệnh gây nên bởi những tác động xấu của thói quen ngồi nhiều, ngồi lâu, sử dụng vi tính liên tục.

Ở Việt Nam, có một dạo tập thể dục giữa giờ được tiến hành gần như bắt buộc ở một số công sở. Tuy nhiên về sau, do cách làm thiên về hình thức, để đối phó với quy định hơn là nhằm cải thiện sức khoẻ bản thân nên dần dần bị mai một và hiện không còn nghe nói đến có cơ quan nào tổ chức cho nhân viên tập thể dục giữa giờ nữa.

Danh lợi không mưu cầu được sức khoẻ

Để phòng tránh các cơn đau mơ hồ và các bệnh phổ biến cho những người bị ảnh hưởng bởi đặc trưng làm việc trong văn phòng, chúng tôi thường hay khuyên họ nên giữ ấm khi làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên.

Duy trì cường độ làm việc ở mức độ vừa phải, phù hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người và nhất là phải có kế hoạch làm việc hợp lý, tránh chạy theo thành tích hay chỉ để vừa lòng một số người.

Cách đơn giản nhất là mặc thêm áo vest, mang vớ để giữ chân ấm. Khi bị bệnh về đường hô hấp nên chủ động xin nghỉ vì bản thân mình và vì tránh lây lan cho đồng nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống lạnh trong các văn phòng cũng phải được vệ sinh thường xuyên. Nếu có điều kiện, nên sử dụng hệ thống lạnh có đối lưu tốt, độ lạnh vừa phải và có khả năng sát khuẩn mạnh.

Một việc nữa cũng khá quan trọng là không nên làm việc quá lâu, khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn một chút hay đi lại và làm một vài động tác thể dục ngay tại nơi làm việc.

Thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hay vận động nên kéo dài từ 5 - 10 phút. Ngoài ra, cũng nên có sự trao đổi với lãnh đạo về cường độ làm việc, duy trì ở mức độ vừa phải, phù hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người và nhất là phải có kế hoạch hợp lý, tránh chạy theo thành tích hay chỉ để vừa lòng một số người.

Tất cả mọi danh lợi suy cho cùng đều không thể quý hơn sức khoẻ. Có sức khoẻ tốt thì vẫn còn cơ hội mưu cầu danh lợi nhưng khi mất sức khoẻ rồi, dù có nhiều tiền, chức trọng quyền cao cũng không thể nào mưu cầu được sức khoẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam

Sài Gòn tiếp thị

0 nhận xét:

Đăng nhận xét