Hình ảnh bình dị, thân thương đó đã trở thành quen thuộc với người dân và khách du lịch ở khu đồi cát Mũi Né gần 2 năm nay.
Lớp học Anh văn của thầy Thiện (37 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) rất đặc biệt. Đó là lớp học dưới một gốc cây, không có trường lớp, không có bàn ghế, bảng đen phấn trắng, chỉ có đồi cát đầy nắng và gió. Dưới lớp học "du mục" đó, có khi lên đến 120 học trò quần áo nhem nhuốc lam lũ, đang dõi mắt nghe thầy giảng. Còn ban đêm, dạy ở trong ngôi nhà của một người dân, trò ngồi "bệt" dưới sân, viết tì lên gối, còn thầy mượn bậc cửa làm bục giảng.
Lớp học ban đêm tại nhà chị Lương Bích Thủy ở đồi cát Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận). |
Trong lớp học xềnh xoàng ấy, một người thầy không nhìn thấy ánh sáng, chỉ có một chiếc máy tính cũ kỹ say sưa đánh vần "a, b, c", những từ tiếng Anh giao tiếp thông dụng cho những đứa trẻ nghèo hiếu học. Thỉnh thoảng, thầy lại phải ngừng lại để giải thích những câu hỏi hồn nhiên của trò: chữ "hello" (xin chào) sử dụng trong trường hợp nào? Khi nào thì nói "sorry" (xin lỗi) với khách...
Để có lớp học này, thầy Thiện kể lại, trong một lần đưa học trò ra Bình Thuận làm từ thiện, khi đến đồi cát Mũi Né, được người dân ở đây kể về những đứa trẻ thất học mưu sinh bằng nghề cho khách du lịch thuê tấm trượt thường hay móc túi, đánh lộn tranh giành khách. Tuy không nhìn thấy, nhưng trực tiếp nghe những đứa trẻ chửi thề, thầy không giận mà thương. Thương vì trẻ em ở đây nghèo quá, thất học, bố mẹ chúng không dạy dỗ, chỉ bảo những điều hay lẽ phải mà còn tác động xấu, xúi giục các em đi móc túi.
"Là người có hoàn cảnh không may mắn nên tôi rất thông cảm sẻ chia và thương tụi nhỏ. Tôi đã nghĩ rất nhiều, bằng cách nào đó giúp những đứa trẻ này nên người. Phải cảm hóa được những tâm hồn trẻ thơ, hướng thiện cho chúng. Và tôi muốn chia sẻ những gì mình có với các em bằng cả tấm lòng", thầy Thiện tâm sự. Ý định nung nấu mở lớp học dạy Anh văn giao tiếp cho bọn trẻ được hình thành.
Khi về đến Sài Gòn, thầy Thiện đã dùng số tiền dạy học có được để đều đặn 2 ngày cuối tuần vượt 420 km đi về, từ TP HCM đến Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) dạy Anh văn miễn phí cho trẻ em nghèo ở đây. Lớp học được mở vào đầu tuần tháng 3/2009, duy trì đến nay đã được gần 2 năm.
Thầy kể, năm lên 9 tuổi, sau một lần tai nạn bị té xuống hồ nước, thầy Thiện đã bị mù. Nỗi đau như càng nhân thêm khi ước mơ con chữ còn dang dỡ. Không từ bỏ số phận, cậu học trò học bằng chữ nổi (braille), và không phụ công, thầy trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên khoa Anh văn của trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Thầy giáo Nguyễn Phước Thiện và mẹ tại lễ tuyên dương "Người con hiếu thảo 2010". Ảnh: Tá Lâm. |
Khi ra trường, thầy không đi xin việc mà tự mở lớp dạy học ở nhà. Hiện tại, thầy Thiện đang dạy 10 lớp, mỗi lớp có 5 đến 8 em. Ngoài ra còn có 8 em học qua mạng, đó là những bạn sinh viên ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... học qua "chat Voice" (một hình thức nghe nói trực tiếp qua máy tính nối mạng). Những em có hoàn cảnh khó khăn, những bạn là đoàn viên thì thầy giảm 50% học phí, còn những nhà tu thì miễn phí hoàn toàn. Chính từ học phí ở những lớp học này, thầy dùng kinh phí xuống Bình Thuận dạy học.
"Một mình Nguyễn Phước Thiện này thì không làm được gì hết. May mà ông trời phù hộ cho tôi được gặp những cô gái giàu lòng nhân ái, cùng chí hướng, để cùng xuống Mũi Né dạy học", thầy Thiện tâm sự về những người bạn đồng hành.
Đó là hai hai học trò của thầy ở TP HCM. Lâm Kim Hồng (22 tuổi, quê Tiền Giang) hiện đang là nhân viên Coop mark Cống Quỳnh, còn Lê Thị Bích Thủy (25 tuổi, quê Tiền Giang) là cựu sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của thầy, 2 cô học trò tình nguyện thay phiên nhau đưa thầy Thiện ra Mũi Né dạy học.
"Thầy luôn tâm sự với mình rằng, thầy ước được nhìn thấy mờ mờ để được tra từ điển, lúc đó mình thấy thầy thật khác thường. Là một người may mắn hơn thầy, thế mà mình chưa làm được gì. Đi cùng thầy mình không chỉ học được kiến thức, mà còn học được kỹ năng sống, học được cách làm người", Thủy tâm sự.
Cô trăn trở, sợ rằng khi thầy không thể đến đồi đứng lớp nữa thì những đứa trẻ ở đây sẽ quay lại con đường cũ. "Nếu một em đi làm mà không có tiền đưa về là bị phụ huynh đánh tơi tả, còn nếu móc túi được ví tiền hay điện thoại của khách du lịch thì bố mẹ chúng vui mừng", Thủy chia sẻ.
Cảm kích tấm lòng của thầy giáo mù, nhiều người ở Mũi Né cũng chung vai gánh vác. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Loan (37 tuổi) dù đôi chân tật nguyền nhưng vẫn đi vận động, tập hợp bọn trẻ lại. Là chị Lương Bích Thủy (nhân viên vệ sinh Mũi Né) cho mượn nhà để học trong đêm...
Chỉ sau một thời gian ngắn, những đứa trẻ ở đây đã dần dần thay đổi, không những bỏ hẳn những thói hư tật xấu mà còn biết cách giúp đỡ người khác, làm những việc thiện giúp ích cho xã hội. Phong trào đi nhặt rác quanh đồi cát được những em ở dây hưởng ứng tích cực.
Không chỉ có tấm lòng trong công tác xã hội, ở nhà, thầy giáo Nguyễn Phước Thiện còn có một người mẹ già 63 tuổi, thường xuyên đau ốm, bệnh tật. "Tôi không nhìn thấy, nhưng những lúc bóp tay, bóp chân thấy da mẹ nhăn hơn trước. Lúc đó, tôi thương mẹ lắm. Tôi cố gắng làm việc thật hiệu quả để đem lại cho mẹ những niềm vui nho nhỏ", thầy tâm sự.
Với những thành tích nổi bật đó, tại Lễ tuyên dương "Người con hiếu thảo 2010" lần thứ 7, thầy giáo Nguyễn Phước Thiện được vinh danh là một trong 50 gương điển hình của TP HCM.
Tá Lâm - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét