người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Teen tự hủy hoại mình vì những lỗi lầm nhỏ

Học sinh hiện chỉ được học kiến thức văn hóa, hàn lâm mà thiếu đi kỹ năng giải quyết những thất bại, khó khăn thực tế. Ảnh: Hoàng Hà.

12 năm học giỏi nhưng thi rớt đại học, Hùng đâm thất vọng và lao vào cờ bạc, rượu chè. Trong một lần nhậu say không làm chủ được mình, cậu học trò nhỏ đã bị các đàn anh dụ dỗ vào con đường nghiện ngập và trộm cướp.

Xuất thân từ gia đình trung lưu có truyền thống hiếu học, cha là kỹ sư, mẹ là y tá, ngay từ nhỏ, Hùng đã thể hiện sức học rất cừ và liên tục đoạt những giải thưởng danh giá của trường, thành phố. Suốt 12 năm học phổ thông, cậu là niềm tự hào của gia đình và dòng họ, ai cũng thầm tin một tương lai xán lạn đang chờ đón cậu.

Tuy nhiên con đường trải đầy hoa hồng đã khép lại khi cậu thi trượt Đại học Y dược TP HCM hồi năm ngoái. Thất vọng về bản thân, Hùng trở nên bất cần, sống buông thả rồi vướng vào nghiện ngập, hút chích và trộm cướp. Cuộc đời cậu bước sang những ngày tháng lầm lũi trong trại cải tạo bởi bản án “cướp giật tài sản người đi đường”.

Đã gần một năm trôi qua, song mỗi lần có người nhắc đến số phận của cậu quý tử, bà Vân (mẹ của Hùng, quê Biên Hòa, Đồng Nai) lại không cầm được nước mắt. Bà sụt sùi bảo: "Ngày nhận được giấy của công an tỉnh thông báo con tôi tham gia nhóm trấn lột ở ngã ba Tam Hiệp, tôi không tin vào mắt mình. Thì ra những buổi tối con bảo có việc ở lại nhà bạn lại là lúc nó đi theo bọn kia đi cướp".

Câu chuyện của Hùng chỉ là một ví dụ về thực trạng "sức khỏe" tinh thần yếu của người trẻ, họ dễ rơi vào khủng hoảng do những khúc mắc trong học hành, tình cảm... Các nhà các nhà nghiên cứu khoa học xã hội cho rằng, nguyên nhân sâu xa chính là do họ thiếu kỹ năng sống cần thiết. Thêm vào đó sự chểnh mảng của cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục khiến các em dễ có nguy cơ rơi vào những cạm bẫy của kẻ xấu.

Một công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Giáo dục cho thấy, 83% học sinh Việt Nam chưa được trang bị các kỹ năng kiểm soát bản thân, rèn chỉ số cảm xúc, làm chủ sự thay đổi, làm chủ thời gian sống, hoạch định mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu cuộc đời và ra quyết định. Do vậy họ dễ rơi vào trầm cảm, vô cảm, stress, thậm chí, đứng trước một sự mất mát, nhiều bạn trẻ đã tự hủy hoại cuộc đời mình.

Như câu chuyện về cái chết đau thương đã xảy ra với cô con gái út của ông Nguyễn Văn Thanh (quê ở Bến Tre). Khi biết mình lỡ mang giọt máu của người đàn ông có vợ, cô gái đã nhảy cầu tự tử vì "không còn mặt mũi nào gặp lại gia đình". Mặc dù chuyện đã qua 3 năm, song đến nay hễ nghe ai gọi tên đứa con gái út, ông già 66 tuổi vẫn không thôi xót xa.

Ông Thanh kể, năm 2007, một bữa khi cả nhà đang ngồi ăn cơm thì nhận được lá thư của Loan, cô con út khi đó mới 20 tuổi. Tưởng con gửi thư về thăm hỏi sức khỏe nên mọi người vui mừng bóc ra xem. Khi mở ra thấy lá thư dính toàn máu, ai cũng sững sờ và ngờ ngợ hiểu chuyện gì đang xảy ra với cô.

"Trong thư, con bé xin lỗi mọi người vì đã lỡ mang thai với một người đàn ông đã có vợ. Nó bảo, không còn mặt mũi gặp lại gia đình nên đã nhảy xuống sông tự tử...", ông Thanh bùi ngùi kể lại.

Trao đổi với VnExpress.net, Ông Vũ Toản, Thạc sĩ xã hội học, giảng viên Đại học khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM cho rằng, chỉ có con đường giáo dục mới trang bị cho các học sinh những kỹ năng sống cần thiết để làm chủ bản thân trước những bi kịch của cuộc đời. Tuy nhiên hiện nay giáo dục ở nước ta còn tập trung quá nhiều vào giảng dạy văn hoá, mà ít chú trọng đến khía cạnh tinh thần nên vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Mặc dù gần đầy, giáo dục Việt Nam đã bắt đầu chú ý dạy các kỹ năng "mềm" cho trẻ, tuy nhiên theo ông Toản, "cách đặt vấn đề" của chúng ta còn quá lỗi thời và hình thức nên không nhận được sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của học sinh. Vì thế vấn đề ở đây là cần chỉ cho học sinh hiểu được giá trị cuộc sống và tầm quan trọng của việc trang bị những kỹ năng sống này.

"Việc đứng dậy sau những mất mát, đau thương cũng giống như một người sắp chết đuối. Đầu tiên anh ta cần có kỹ năng bơi để tự cứu sống mình trước khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Mà để làm được việc này, đòi hỏi người đó phải tập bơi trước, đừng để lúc tai nạn xảy ra thì mọi chuyện đã quá muộn", ông Toản lý giải.

Và để có đủ kỹ năng sống thì người trẻ cần năng động cập nhật, học hỏi, không thể chờ đợi ở những giờ lên lớp trên giảng đường, ở trường học. "Gia đình cần quan tâm dạy bảo và tự bản thân các em cũng cần tự biết sàng lọc, trang bị kiến thức sống cho mình", giảng viên này đúc kết.

Quan tâm đến thực trạng này, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, trực thuộc Trung ương Đoàn đã mở lớp đào tao kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho các bạn trẻ. Khóa học 4 ngày từ 21-27/11, bao gồm các kỹ năng: nắm bắt tâm lý thanh thiếu niên, ứng xử, giao tiếp tuổi teen, những căn bệnh thường gặp ở tuổi teen, kỹ năng làm việc nhóm, vượt qua thất bại, phương pháp tổ chức và thiết kế các chương trình, làm việc nhóm… Bạn trẻ quan tâm liên hệ: (08) 5 4283874 - 0908 166 277 hoặc Email: thanhthieunienmiennam@yahoo.com.vn

Ngoan Ngoan - VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét