Các bà mẹ có học thức cao có nhiều điều kiện để sinh con trai. Ảnh minh họa: MT. |
Đa số phụ nữ đều bị áp lực sinh "thằng cu" cho nhà chồng, nhưng do có kinh tế và khả năng tiếp cận công nghệ, những chị em học vấn cao thường có tỷ lệ thành công nhiều hơn.
Đây là những thông tin được Ủy ban Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) công bố sáng nay, trong Báo cáo về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam qua các bằng chứng từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Các chuyên gia Quỹ dân số Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam đang gặp phải sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (110,5 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số bình thường là 105/100).
Trong đó, theo báo cáo, trình độ học vấn của người mẹ quan hệ tương hỗ chặt chẽ với tỷ số giới tính khi sinh - người phụ nữ càng có học thức cao thì càng có khả năng và điều kiện lựa chọn sinh con trai. Cụ thể, nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn có tỉ lệ đẻ con trai là 107/100 (số nam/nữ), trong khi nhóm trung học phổ thông và học nghề là 111 và con số này ở nhóm chị em có trình độ cao đẳng trở lên là gần 114.
Ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhận xét, ở các nước khác trong khu vực châu Á, không hề thấy mối liên quan giữa trình độ của mẹ và giới tính của con. Hiện tượng này chỉ có ở Việt Nam.
Giải thích về điều này, tiến sĩ Phạm Nguyên Bằng, Cán bộ chương trình UNFPA cho hay, ở Việt Nam, tâm lý thích có con trai đã ăn sâu trong tiềm thức của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ có học thức cao thường cũng là nhóm giàu nhất, có mức sinh thấp, đồng thời cũng có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin, công nghệ để lựa chọn giới tính của con, nên có tỷ lệ đẻ con trai cao hơn.
Báo cáo của Quỹ dân số Liên Hợp quốc lần này còn cho thấy sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình và lần sinh con thứ mấy trong gia đình: Nhóm dân số nghèo nhất thường có tỷ số giới tính nam - nữ gần với mức bình thường nhất là 105, trong khi với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112.
Tiến sĩ Christophe Guilmoto, tác giả công trình nghiên cứu cũng cho biết, hình thái gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không giống như tại các nước khác.
Cụ thể: Ở các quốc gia khác, tỷ số giới tính khi sinh tăng đều đặn từ lần sinh thứ nhất đến lần sinh thứ ba, nhưng ở Việt Nam, tỉ số này của lần sinh con đầu tiên là 110, lần thứ hai giảm đi một chút là 109, nhưng lại tăng vọt là 115 ở lần sinh thứ 3.
Các chuyên gia lý giải điều này có nghĩa là một số cặp vợ chồng đã thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh ngay trong lần đầu và lần thứ hai mang thai, đồng thời áp lực phải có con trai thường khiến họ sinh thêm con thứ 3 và tập trung mọi cố gắng để có "cậu ấm" trong các lần sinh sau này.
Theo các chuyên gia, nếu không có sự can thiệp, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra như hiện nay thì năm 2015 con số chênh lệch giữa trẻ trai trên trẻ gái khi sinh là 115/100 và không dừng lại tại đó, và hệ quả là từ nay tới 2049, nước ta sẽ thừa tới 12% nam giới (mỗi năm khoảng 60.000 người).
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh thể hiện sự bất bình đẳng giới, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế, tác động lớn nhất đến những người trưởng thành, dẫn đến những vấn đề bất cập như nam giới phải sống độc thân, kết hôn muộn, lấy vợ người nước ngoài, tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, mại dâm...
Vương Linh - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét