MNCT - Nấm mối là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Đồng Nam, cứ mỗi độ thu về, người người lại hăng hái đi vặt nấm mối.
Hàng năm, mùa nấm mối kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng thời điểm thu hoạch nhiều nhất từ ngày 1 đến 15/6. Ở Đồng Nai, hầu hết các địa phương đều có nấm mối, song mọc nhiều chỉ có tại Bình Sơn, Cẩm Đường (huyện Long Thành), huyện Cẩm Mỹ và TX. Long Khánh.
Nấm mối chỉ mọc ở những khu vực đất sạch, tơi xốp gần tổ mối trong vườn điều, tiêu, cao su, sầu riêng. Vào lúc thời tiết nóng ẩm và thỉnh thoảng có mưa, mối tiết ra những chất đặc biệt mà người dân trong vùng thường gọi là "nước dãi", chất này tạo men nấm và phát triển thành nấm.
Ngày đầu nấm mới mọc còn rất nhỏ, chỉ 2 ngày sau nấm phát triển lên thành nấm búp, mình nấm tròn mập, mũ bung ra, hơi cứng; cho đến ngày thứ 5 thì nấm nở bung ra, mình gầy, gọi là nấm tán dù, đến lúc này nếu không có ai hái thì nấm sẽ tàn và tự tiêu hủy.
Vào đầu mùa mưa là thời điểm đang rộ nấm mối, về vùng Bình Sơn (huyện Long Thành) hay Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) sẽ thấy rất nhiều người đi tìm nấm mối. Muốn hái được nấm mối ngon phải dùng đèn soi đi vào ban đêm vì thời tiết mát, dễ thu hoạch, còn ban ngày gặp ánh sáng nấm nở thành tán, hái dễ bị vụn nát, giá không cao. Nấm búp hiện nay được bán tại vườn với giá 90 - 100 ngàn đồng/kg, trong khi nấm nở thành tán chỉ có giá 60 - 70 ngàn đồng/kg. Anh Nguyễn Mỹ Bình ở ấp 3, xã Bình Sơn - người chuyên đi tìm nấm mối - cho biết: "Lúc này nấm mối nhiều và ngon nhất, vì vậy các thương lái tìm đến tận vườn đặt mua để đem về Biên Hòa và Sài Gòn bán. Những khi hút hàng, giá mua tại vườn lên đến 120 ngàn đồng/kg, do đó hầu như nhà nào cũng có người đi lùng nấm mối".
Một tổ nấm mối thường có trọng lượng từ 1 - 4kg, vào những ngày rộ, dân Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ... có khi thu được hàng tấn nấm. Một số thương lái chuyên mua nấm mối cho biết, năm nay nấm mối ít, chỉ bằng một nửa những năm trước. Trước đây, nấm mối mọc nhiều trong vườn cây lâu năm, nhưng gần đây nhiều cây trồng bị sâu bệnh khiến cho nông dân phải thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, điều này đã ảnh hưởng đến môi trường đất nên nấm mọc ngày càng ít.
Theo Dacsanphanrang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét