MNCT - Ấy là tháng chín âm lịch, khi những cơn gió heo may dìu dịu thổi qua làng mạc một nỗi buồn vơ vẩn, qua những ruộng đồng lờ lợ nước biển sông, là lúc sắp tới mùa rươi.
Phải khi đang nắng mà mưa thì rươi xuất hiện, người ta gọi “mưa rươi”; đang nóng mà rét, ấy là “nắng rươi”. Bấy giờ rươi lũ lượt trồi lên mặt nước, tha hồ xúc. Và trong không gian êm ả của những làng quê, phố phường Bắc bộ, văng vẳng tiếng rao “Rươi...” của những bà, những cô gái quê kẽo kẹt đôi gióng gánh trên vai.
Rươi là một giống hải trùng sống dưới biển. Tháng giêng, tháng hai âm lịch, mùa trăng huyền ảo khi nước biển rút xuống là lúc những con rươi bắt đầu đẻ trứng vùi sâu xuống đất. Lúc trứng rươi nở thành con, theo dòng thủy triều dâng vào định cư tại ruộng. Đó cũng là lúc người ta đánh bắt rươi.
Chả rươi - Ảnh: Phương Kiều
Người miền Bắc thích nhất món chả, nên chả rươi là tiêu chí số một để chọn. Bởi làm chả rươi chẳng mất bao nhiêu công cán. Chỉ cần có rươi, có thịt nạc băm, có trứng, có thì là, có vỏ quýt bằm nhỏ cùng nước mắm ngon là đủ. Trứng đánh đều, trộn vừa rươi vừa gia vị thật đều, rồi cho vào chảo mỡ đặt trên bếp lửa liu riu. Trong chốc lát, mùi chả rươi lan tỏa khắp không gian, khiến bà con lối xóm ai cũng thơm nồng cánh mũi.
Chả rươi phải ăn khi vừa sớt ra khỏi chảo, còn bốc hơi nóng nghi ngút. Trước khi dọn ra bàn, rắc lên mặt miếng chả một ít tiêu xay, vừa làm duyên vừa tăng thêm mùi vị món ngon. Cạnh bên miếng chả là mấy nhánh thì là xanh mướt cũng vừa điểm xuyết vẻ đẹp đĩa chả vừa như nàng thiếu nữ quyến rũ thị giác người ăn.
Đũa cầm tay, dẽ miếng chả rươi chấm nước mắm nhĩ dầm ớt, cho vào miệng cắn. Úi chu choa, cái mùi chả rươi khi chiên so mùi chả rươi khi ăn biết nói sao cho vừa. Mùi thơm của chả, của nước mắm hảo hạng; vị ngọt của thịt, vị cay của ớt, của tiêu bột; vị béo của trứng, của rươi chưa kịp tan biến trong khẩu cái, thì mùi thơm của thì là chiên trong miếng chả hòa quyện mùi thơm vỏ quýt dâng lên khứu giác.
Rươi còn có món hấp. Món này không “trần tục” như chả rươi, dù vẫn dùng đến thịt nạc băm, hành củ, vỏ quýt, mộc nhĩ, thì là và nước mắm. Tất cả các nguyên liệu cho vào cái bát, đánh trộn thật đều, cho vào nồi hấp cách thủy. Để biết món ăn được chưa, bà nội trợ dùng chiếc đũa xăm sâu vào bát rươi. Rút đũa ra thấy đầu đũa khô quánh là lúc tắt bếp, dọn bát rươi hấp ra bàn. Đây cũng là món ăn nóng, rươi hấp “thanh” hơn chả rươi, vì không có dầu mỡ “nặng nề”. Rươi hấp chấm nước mắm ớt, miếng nào xứng đáng miếng nấy, vì đều đem lại cho ta cái sự sướng khoái của thú ẩm thực mùa thu.
Thưởng thức rươi bằng cách chế biến nào đi nữa cũng cần có nước chấm. Nhưng không có thứ nước chấm nào qua mặt nước mắm rươi. Để biến rươi thành nước mắm cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ cần có rươi và muối hột, trộn đều theo định mức, đựng trong chiếc lu, để ngoài trời, chiều đậy kín, sáng giở ra đón ánh nắng mặt trời. Để chừng bốn tháng thì rươi hòa tan vào muối, “sắc” lại. Càng phơi nhiều nắng chừng nào, nước mắm rươi càng “dậy” chừng nấy, càng thêm quyến luyến bất cứ món ăn nào...
Phương Kiều
Theo Thanhnien Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét