MNCT - "Bít tết rất đặc biệt, nếu không có lý do gì để ăn, tôi sẽ không nghĩ đến nó", nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ. Anh cho hay đi đến bất cứ nơi đâu, thưởng thức bữa ăn nào mà có món bít tết, anh đều rất nhớ.
Quốc Bảo chia sẻ: "Ngày tôi còn bé, lúc đó bà ngoại còn khỏe mạnh, bà là người trực tiếp lo chợ búa cơm nước và là người làm cho tôi những đĩa bít tết với khoai rán đầu đời. Bít tết được làm theo kiểu gia đình thường nhật, chẳng gia vị cầu kỳ, chỉ có thịt ngon ướp vừa khẩu vị, dọn với khoai rán cắt miếng lớn. Thế mà tôi nhớ mãi, nhớ mùi thơm nức mũi, mùi tiêu xanh cay nồng và nhớ cả vị thơm ngậy còn lưu lại rất lâu trong vòm miệng. Sau này, mẹ tôi ăn chay, nhà ít làm thịt đỏ và cũng vì thế mà mỗi khi muốn ăn bít tết tôi phải ra tiệm.
Nhạc sĩ Quốc Bảo.
Bít tết đối với tôi mang một ý nghĩa rất riêng và có phần long trọng, chỉ dành cho dịp đặc biệt, không phải là món ăn thường ngày. Tôi không biết liệu sự coi trọng ấy có phải xuất phát từ việc hồi bé chỉ được bà ngoại thưởng cho món bít tết với khoai sau khi ốm dậy hoặc vừa làm xong một việc tốt hay việc ngoan nào đó không? Nhưng quả thật, bít tết rất đặc biệt. Nếu không có lý do gì để ăn, tôi sẽ không nghĩ đến nó. Do vậy tôi nhớ hầu hết các nơi, các bữa ăn có sự "hiện diện" của bít tết.
Tôi nhớ như in kỷ niệm năm ngoái, tôi được thưởng thức bữa bít tết đặc biệt ở Sài Gòn với người yêu của tôi cùng một người bạn từ Australia về. Không ai uống bia, nước lọc hay nước chanh ép khi ăn bít tết cả. Tôi gọi một ly Martini cho ấm người vì lạnh do mới dầm mưa, rồi sau đó mới phát hiện ra rằng nó không hề phá đi hương vị của rượu vang. Tối ấy, chúng tôi gọi Carmenère Chono Reser và rượu chát Chile, không chua như vang Australia, chỉ thơm dịu và chát nhẹ.
Lẽ ra tôi nên xem người yêu và anh bạn tôi gọi phần bít tết nhiều hay ít mỡ, để chọn rượu cho đúng. Thịt càng béo, rượu càng cần độ chát cao. Tôi thích sirloin, ít mỡ, nên rượu cũng chỉ cần thơm đậm và hơi cay. Thường thì tôi không dùng khoai tây rán mà thích khoai nghiền, dọn chung với súp lơ xanh, cà chua bi và phủ thật nhiều Tabasco. Nước sốt cho món bít tết cũng thiên biến vạn hóa. Tôi có vài lần thử các loại khác nhau (có nơi còn sáng tạo ra sốt nước mắm) nhưng rồi cũng quay về thứ quen thuộc, thứ đã được nếm thời ấu thơ đó là sốt tiêu xanh.
Ăn bít tết phải dọn trên bàn gỗ, loại gỗ sồi nặng đóng thô. Bít tết không hài hòa được với bàn ăn được phủ khăn hay kính. Món bít tết ngon, đối với tôi phải như một loại nước hoa cao cấp, phải có đủ hương đầu, hương giữa và hương cuối.
Hương đầu tạo bởi vị sốt phủ lên mặt thịt, trong trường hợp của tôi thì đấy là hương của tiêu xanh, chút tiêu đen điểm vào, pha giữa tiêu đã chế biến và hạt tiêu tươi nguyên nhánh. Hương giữa là hương đặc trưng của thịt bò (vài lần nếm thử thịt đà điểu, tôi cũng thích nhưng rồi thịt bò cũng là sự chọn lựa cuối cùng của tôi), phải ngọt đậm (ngọt thịt và ngọt vị đường nâu), phảng phất mùi sữa, phô mai và mùi cỏ mới cắt. Hương cuối (được rượu vang giữ lại) là hương của rau củ. Món ăn này không thể thiếu bánh mì, loại trắng giòn, nhúng đẫm dầu ô liu.
Theo Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét