người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Top 10 kỷ lục đặc sản nước chấm nổi tiếng của Việt Nam

MNCT - Lọt vào top 10 đặc sản nước chấm nổi tiếng nhất VN là những loại gia vị rất quen thuộc.

Khi nói đến ẩm thực Việt Nam, không một ai lại không nhắc nhở các món nước chấm, gia vị được dùng trong các bữa ăn. Các món nước chấm, gia vị tưởng như chỉ “bên lề” nhưng lại chính làm cho bữa ăn thêm đậm đà hấp dẫn. Vì vậy, từ rất lâu đã lưu truyền câu ca dao sau: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì. Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn". Điều này nói lên nhiều loại nước chấm, gia vị xứng đáng là đặc sản.

Dưới đây là 10 đặc sản nước chấm và gia vị nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và công bố từ tháng 8/2012.

1. Tương Bần (Hưng Yên)

Tương Bần là đặc sản của thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nghề làm tương Bần ở đây có từ thế kỷ 12, 13. Nguồn nguyên liệu để làm tương là gạo, ngô, đỗ tương... chủ yếu là đỗ tương.

Làng nghề tương bần Hưng Yên

Làng nghề tương Bần có khoảng 300 lao động làm nghề. Nhờ có máy móc xay nghiền nên làm tương giờ không vất vả như xưa. Nước ta có nhiều địa phương làm tương ngon và nổi tiếng nhưng Tương Bần vẫn là thứ đặc sản đã đi vào trong “truyền tụng” từ nhiều đời nay: Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

2. Nước mắm Cát Hải (Hải Phòng)

Nước mắm Vạn Vân nổi tiếng một thời, chính là nước mắm Cát Hải. Nước mắm Vạn Vân nổi tiếng khắp cả nước nhờ hương vị đặc biệt của nó. Thứ hương không thể lẫn, đã nếm qua một lần là nhớ mãi. Để làm nước mắm, cá được đưa về phân loại, rồi trộn muối sơ chế ban đầu, sau đó ngâm ủ để cá lên men.

Quy trình sản xuất nước mắm Cát Hải

Qua 12 tháng, khi cá bắt đầu cho nước cốt, phải biết tách ra mà nấu, mà chế. Đây là bí quyết, là kỹ thuật, là nghề của những người thợ chế biến nước mắm Cát Hải. Nước mắm Cát Hải, qua bàn tay khéo léo, sự tần tảo chịu thương chịu khó và trên hết là tấm lòng của những người thợ đã chiếm lĩnh được sự yêu mến của khách hàng gần xa.

3. Tương Nam Đàn (Nghệ An)

Nam Đàn là một trong ba vùng làm tương ngon nổi tiếng cùng với tương Bần (Hưng Yên) và tương Cự Đà (Hà Nội). Tương Nam Đàn độc đáo, khác hai loại tương kia ở chỗ là "tương mảnh", hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành "mảnh đậu" chứ không "nát như tương Bần". Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng sánh như mật ong.

Tương bần Nam Đàn nổi tiếng

Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm. Lượng muối bỏ vào làm tương không ít, nhưng vị đậm đà của muối đã chìm đi, nhường chỗ cho hương vị của thứ nước chấm đặc sắc.Tương Nam Đàn, tương xứ Nghệ dễ mấy ai quên khi đã một lần thưởng thức.

4. Mắm tôm Hậu Lộc (Thanh Hóa)

Có nhiều nơi làm mắm tôm, song nhiều người sành ăn cho rằng mắm tôm Hậu Lộc ngon và rất quyến rũ. Người Hậu Lộc cho rằng, bí quyết chính tạo nên sự quyến rũ là ở con moi - nguyên liệu chính chế biến mắm tôm.

Khi đánh bắt được moi ngư dân giữ nguyên trong đụt lưới (lưới giã), chao sạch moi trong nước biển và đổ lên khoang tàu, nhặt bỏ tạp chất. Trước khi chế biến, moi tiếp tục được làm sạch, sau đó trộn đều với muối ăn, loại muối được bảo quản từ 3 tháng đến 1 năm.

Mắm tôm Hậu Lộc

Chăm sóc mắm là một công việc quan trọng quyết định đến chất lượng mắm thành phẩm. Mắm càng được chăm sóc kỹ thì mùi vị càng thơm ngon, ít “đứng nước”, mắm dẻo, mịn, màu đẹp.

5. Ruốc (Thừa Thiên - Huế)

Mắm với người dân xứ Huế là một phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Chẳng vì thế mà ngay tại khu chợ sầm uất Đông Ba đã hình thành nên cả một khu phố mắm tấp nập người bán kẻ buôn.

Mắm Ruốc Thừa Thiên

Vào khoảng tháng Giêng đến tháng Tư Âm lịch, khi mùa ruốc về, người ta lại làm mắm ruốc. Phải chọn con ruốc tươi, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì ruốc sẽ bị thối rữa. Có hàng trăm món ngon chế biến mà thiếu mắm ruốc sẽ trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo. Nấu canh không có ruốc thì nồi canh dù có khéo tay chế biến cũng thành nhạt nhẽo vô duyên. Ruốc cũng là thứ gia vị chính yếu để hoà thành thứ nước chấm rau các loại.

6. Nước mắm Nha Trang (Khánh Hòa)

Chế biến nước mắm ở Nha Trang là một nghề truyền thống có từ lâu đời và được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Sự nổi tiếng của nước mắm Nha Trang đã góp phần làm cho các làng nghề sản xuất nước mắm cổ truyền ở đây ngày càng phát triển và nhân rộng.

Nước mắm Nha Trang

Nước mắm Nha Trang thơm ngon bởi nhiều yếu tố nhưng trước tiên là do biên độ nhiệt độ ở Khánh Hòa ổn định và nhiều nắng gió nên cá được muối theo phương pháp cổ truyền trong thời gian từ 10 -12 tháng, chướp chín trong nhiệt độ thích hợp nên rất thơm ngon và màu sắc đẹp mắt. Nước mắm Nha Trang được làm từ những mẻ cá cơm, đặc chế theo phương pháp cổ truyền kết hợp công nghệ tiên tiến nên hương vị đặc biệt thơm ngon tinh khiết.

7. Nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận)

Ai đã một lần đến Bình Thuận, không thể không nhớ hương vị nồng nàn, thơm tho của nước mắm Phan Thiết. Những người làm nước mắm đã dùng những con cá cơm nhỏ nhắn, tươi nguyên, ủ trong lu khạp và đem phơi ở ngoài trời. Có lẽ nhờ cái nắng, cái gió của xứ này đã mang lại hương vị thơm ngon đậm đà của nước mắm Phan Thiết nổi danh cả trăm năm nay.

Nước mắm Phan Thiết được đựng trong lu khạp ngoài trời

Theo Địa chí Bình Thuận từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930, nghề sản xuất nước mắm đã sớm trở thành một ngành công nghiệp độc đáo so với cả nước vừa là công nghiệp độc nhất trong nền kinh tế địa phương.

8. Muối tôm (Tây Ninh)

Muối và tôm là hai nguyên liệu chủ yếu để làm ra muối tôm. Và, qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây, muối tôm Tây Ninh đã được rất nhiều người ưa chuộng. Để có được những hạt muối tôm thơm ngon, phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến công phu.

Muối tôm Tây Ninh

Muối tôm Tây Ninh thường được dùng làm món chấm cho các loại trái cây, nhất là những loại có vị chua như: cóc, ổi, xoài… Ngoài ra, muối tôm nơi đây còn dùng để trộn chung với bánh tráng được xắt nhỏ và các loại rau khác tạo thành món bánh tráng trộn được rất nhiều bạn trẻ ưa thích.

9. Mắm ruốc (Bà Rịa Vũng Tàu)

Ruốc là con vật giống như con tôm, nhưng thân hình rất nhỏ. Con ruốc được ướp với muối để lâu ngày trộn lẫn với chất ngọt của con ruốc nên trở nên đậm đà. Mắm ruốc thường có màu hơi đen đen, đỏ đỏ và mùi thơm đặc trưng.

Mắm ruốc Bà Rịa

Đến nghỉ mát ở Vũng Tàu, khi về du khách thường hay mua mắm ruốc bà giáo Thảo làm quà. Mắm ruốc bà giáo Thảo đã nổi tiếng từ lâu; nên đến Vũng Tàu là phải tìm, hỏi cho ra mắm ruốc bà giáo Thảo. Đó là loại mắm đã được pha chế, sẵn sàng để dùng. Mắm ruốc bà giáo Thảo mua về chỉ cần thêm ít tỏi, ớt là ăn thấy ngon, nên nhiều người đã khen mắm ruốc bà giáo Thảo ngon, dịu chớ không mặn như các loại mắm ruốc khác.

10. Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)

Từ trên 200 năm nay, người dân Phú Quốc đã biết khai thác nguồn lợi cá cơm vốn rất dồi dào ở vùng biển Kiên Giang. Cũng từ đó, nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã được hình thành và phát triển. Cá đánh bắt được rửa sạch và loại bỏ tạp chất, rồi trộn ướp muối ngay khi cá còn tươi. Tất cả được đổ vào thùng gỗ, gài nén ủ chượp theo phương pháp sản xuất truyền thống, để đủ 12 tháng cho ra một sản phẩm nước mắm mà không thể lẫn lộn với bất cứ nơi nào.

Nước mắm Phan Thiết được chứa trong thùng gỗ to

Nước mắm được sản xuất ở Phú Quốc tuân theo các tiêu chuẩn và quy định cũng như yêu cầu về nguyên liệu, quy trình chế biến nhằm tạo nên chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm mang tên gọi Phú Quốc.

Theo 24h Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét