người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Vô vàn món ngon tại mảnh đất Phú Yên

MNCT - Nằm giữa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, vùng đất Phú Yên nổi danh với nhiều món ăn độc đáo, mang đậm phong cách ẩm thực và đời sống bình dân vừa ngon vừa rẻ.


Bánh tráng
 
 
Làng nghề bánh tráng Hoà Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) hình thành khá lâu đời. Nơi đây có khoảng 30% hộ gia đình sống bằng nghề làm bánh tráng từ bột gạo.

Bánh tráng ngon có độ dày vừa, đều khổ, tốt nắng, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính. Bánh tráng Hoà Đa ăn với thịt heo, cháo lòng, bánh hỏi đã trở thành món ngon hấp dẫn níu chân nhiều du khách. Có nhiều món ngon nhưng món bánh tráng cuốn với thịt heo kèm rau sống hái từ đồng rau Hoà Đa, chấm nước mắm nhỉ sóng sánh thơm ngon được ướp từ cá biển đông với bàn tay của ngư dân làng Yến kèm với dĩa ớt xanh được coi là "số zách".
 
 
Người địa phương đi xa thường mang theo những xấp bánh tráng Hoà Đa làm món quà quê tặng người thân, bạn bè và để dành cho mình ăn dần cho đỡ nhớ quê. Nhiều du khách đã thử qua cũng trở nên ghiền, có bè bạn người xứ nẫu về thăm quê lại gửi nhờ mua vài xấp.
 
Lá dít
 
Lên các xã miền núi của huyện Tuy An, Sơn Hòa, ta lại được thưởng thức món canh chua lá dít độc đáo, chỉ có ở Phú Yên. Lá dít nấu canh chua hợp với nhiều loại hải sản hoặc các loại chim rừng nhưng nấu với thịt gà tươi sống thì mới thiệt xứng danh là đặc sản. Sướng nhất là khi ăn món này kèm một chén muối ớt rừng giã nhỏ và nhấp chút rượu nồng. Khi đó mùi thơm, vị chua của lá dít hòa cùng vị ngọt thơm của thịt gà cộng với vị cay của ớt trên đầu lưỡi, vừa ăn vừa hít hà... ngon tuyệt!
 
 
Thời chiến tranh, những người hoạt động cách mạng sống trên vùng núi phía tây Phú Yên ăn món canh chua lá dít gần như quanh năm nhưng vẫn thấy hợp khẩu vị, chẳng ai kêu chán. Ngày nay, canh chua lá dít thịt gà là món đãi khách đặc biệt chỉ có ở Phú Yên. Nhiều người về thăm quê, công tác hoặc đi du lịch đến các xã miền núi Phú Yên đều coi đây là món khoái khẩu không thể thiếu trong bữa ăn. Lúc ra về, mỗi người mang về một ít lá dít để khoe với vợ con, nhưng chắc chắn là không ngon bằng nấu ăn tại chỗ. Có lẽ nguồn nước, mảnh đất và khí hậu nơi đây là nhiều yếu tố tạo nên vị ngon của nồi canh chua xứ nẫu.

Ở xã An Định, huyện Tuy An có một món bình dân mà ngon lạ; đó là xôi bồ câu ra ràng (bồ câu con vừa đủ lông nhưng chưa bay được). Bồ câu ra ràng được chế biến thành nhiều món độc đáo như hầm thuốc bắc, chưng cách thủy, nấu cháo đậu xanh và xáo xôi. Chỉ là gạo nếp bình thường của nhà nông nhưng khi xáo với thịt bồ câu ra ràng ta sẽ có một nồi xôi thơm lừng vị riêng. Xôi bồ câu ra ràng được xem là một trong những món thơm ngon, bổ khỏe, dùng để đãi khách quý và bồi dưỡng cho người già hoặc người bệnh đang hồi sức.
 
Cháo hàu
 
Đầm Ô Loan là một thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên. Đầm có nhiều loại hải sản quý hiếm như tôm, cua, sò huyết, ghẹ, cá vượt, hàu… Trong các loại hải sản trên, hàu được xem là một đặc sản của vùng sông nước Ô Loan. Người dân ở đây lặn bắt hàu quanh năm, nhưng mùa hàu ngon nhất là khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ. Thời điểm này hàu nhiều nhưng không dễ khai thác.
 
 
Hàu bám vào các rạn san hô, thành cầu, bờ đá dưới mặt đầm… Nhìn bề ngoài con hàu xấu xí như một cục đá nhưng thịt của nó thật tuyệt vời. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn như nhúng giấm ăn liền, um chuối cây, nhưng đơn giản mà ngon hơn cả là nấu cháo. Ngon nhất nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống cùng với chút muối, tiêu nhưng không nên bỏ bột ngọt, đường hay bất cứ loại bột nêm nào.

Cũng nấu như các loại cháo khác nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị hải sản riêng. Người địa phương ăn cháo hàu bất cứ thời điểm nào trong ngày, điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà để “chữa cháy”thì cuộc nhậu càng trở nên hấp dẫn. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội thì ngon hơn nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm vị thịt hàu.
 
Tôm hấp nước dừa
 
 
Ở biển Phú Yên có rất nhiều loại tôm như tôm rằng, tôm hùm, tôm sú, tôm đất… Ngoài tôm đánh bắt ở đầm, biển còn có lượng lớn là tôm nuôi. Tôm chế biến thành nhiều món ăn như: tôm nướng, tôm rang muối, tôm hấp tỏi, gỏi tôm… nhưng đặc biệt là tôm hấp nước dừa xiêm, đơn giản dễ chế biến. Nước dừa thấm vào tôm làm tăng vị ngọt thơm ngon của món ăn.
 
Cá ngừ đại dương
 
Gỏi cá ngừ thơm ngon
 
Là món ăn ưa chuộng của nhiều nước Châu Á, nhất là các nước Nhật Bản, Đài Loan… Phú Yên hàng năm đánh bắt được khoảng 1.800- 2.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu và chế biến thành những món ăn đặc sản của địa phương. Thịt cá ngừ đại dương đỏ tươi được thái thành lát mỏng và to, chấm với Mù tạc, xì dầu và ăn kèm với các loại rau thơm: Tía tô, húng, cải xanh… đậu lạc rang, bánh tráng nướng. Món này chế biến đơn giản, vừa thích hợp trong những buổi tiệc chiêu đãi tại các nhà hàng, vừa rất tiện lợi cho những buổi liên hoan dã ngoại ngoài trời.

Ngoài ra, mắt cá ngừ đại dương còn là một món ăn có mùi vị độc đáo, rất ngon, rất hiếm, ít nơi có món ăn này. Quí khách có dịp đến Phú Yên hãy một lần thưởng thức món ăn đặc sản này.
 
Ghẹ sông Cầu
 
 
Ghẹ vùng Sông Cầu (Phú Yên) to bằng bàn tay, bụ bẫm, thân mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Người ta có thể luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú. Khách muốn có bữa cơm ghẹ thì có ngay tô canh ghẹ, đĩa ghẹ kho rim nóng hổi.

Người bắt ghẹ chuyên nghiệp thường sử dụng đôi tay trần hay đặt gọng vó. Còn những người không chuyên nghiệp thì dùng các chĩa ba đâm xuyên qua thân ghẹ rồi gom lại nhậu liền tại chỗ. Bắt ghẹ tương đối dễ dàng. Chúng thường bơi trong các hang đá, kẽ ghềnh hay bò lên nằm phơi nắng trên các gộp đá. Người đi bắt ghẹ nhanh tay túm lấy một lúc cũng vài chục con.

Ghẹ đưa ra bán ở các chợ hay cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng đã đặt mua sẵn. Chủ quán thường nhốt các chú ghẹ trong các rọ tre rồi thả chìm xuống nước, khi nào khách cần mới lôi lên làm món. Khách ngồi hóng gió mát, nhìn trời nước bao la chừng mười phút sẽ có món ghẹ rang muối hay ghẹ luộc dọn lên ngay. Còn khách muốn có bữa cơm ghẹ thì cũng sẵn sàng với những tô canh ghẹ, đĩa ghẹ kho rim nóng hổi còn bốc khói.

Nếu cần nhâm nhi lai rai thì đã có những chú ghẹ to tướng, mầu đỏ gạch, nằm gọn gàng trên đĩa trông thật hấp dẫn. Dùng hai tay bẻ lấy đôi càng rồi nhẹ nhàng đập vỡ nó ra, chấm vào đĩa muối cho vào miệng. Cảm giác đầu tiên là vị ngọt ngọt, mùi thơm thơm, béo béo và mịn màng ở đầu lưỡi, sau đó ngấm dần xuống tận cổ. Khách hớp chút bia để lấy đà, xơi tiếp bằng cách lột bỏ cái yếm trắng dưới bụng, bóc cái mai để lộ ra lớp thịt săn chắc trắng nõn nà và một lớp gạch màu vàng ươm. Dùng cái nĩa cạy hết lớp gạch chấm vào đĩa muối tiêu ăn trước, sau đó mới đến lớp thịt. Ăn ghẹ chớ ăn vội, cứ chậm rãi từng con một, hết con này đến con khác. Vừa ăn vừa uống bia. Khi nào cảm thấy bụng đã no, mới thôi!
 
Cua Huỳnh đế
 
 
Cua Huỳnh đế khi hấp chín có màu đỏ hồng trông rất hấp dẫn. Mai cua có hình trái táo, càng và que ngắn hơn cua biển thông thường. Đặc biệt, đầu cua hơi dài và có nhiều râu ... Cua huỳnh đế có quanh năm nhưng rộ nhất là tháng chạp âm lịch. Đây cũng là thời gian mà cua huỳnh đế ngon nhất. Cua to hơn bình thường, chắc thịt và gạch cua nở đầy mai, ăn rất ngon và nhiều chất dinh dưỡng.

Cua huỳnh đế bắt từ biển lên còn sống, đem hấp cách thủy hoặc luộc, rang muối…, nhưng ngon nhất phải kể đến món cháo cua huỳnh đế. Cua huỳnh đế rửa sạch, sau đó cho cả con vào tô lớn rồi đem hấp để giữ nguyên chất ngọt của thịt. Khi thịt cua đã chín, tách mai cua ra, dùng muỗng nạo hết gạch trong đó để riêng. Gỡ thịt ở càng và thân cua, ướp với gia vị gồm nước mắm ngon, tiêu hành, bột ngọt..., bắc chảo dầu ăn lên, phi hành củ cho thơm, để nhỏ lửa, cho thịt cua vào và đảo đều cho thịt thấm. Khi cháo đã chín nhừ, cho tất cả thịt cua vào và để sôi vài phút; cho gạch cua vào sau cùng rồi nêm mắm muối lại cho vừa ăn, thêm củ hành tây xắt mỏng cùng lá hành, ngò xắt nhỏ rồi nhắc nồi cháo xuống, cho thêm tiêu vào tô cháo, ăn khi còn nóng.

Cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Cháo cua huỳnh đế có mùi thơm đặc trưng. Ăn vào có thể tăng cường sinh lực cho đàn ông, bồi bổ cơ thể cho phụ nữ. nhất là chị em đang nuôi con nhỏ…
 
Sò huyết đầm Ô Loan
 
 
Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Muốn thưởng thức món ngon này, phải chịu khó lên thuyền theo các thợ lặn ra giữa đầm, lênh đênh trên sóng nước, vừa tham quan cảnh lặn bắt sò và "thưởng thức" ngay tại chỗ. Trong hành trang của du khách không thể thiếu gia vị, thức uống và bếp lò để nướng sò.
 
 
Các thực khách chỉ ngồi chờ trong chốc lát, người thợ lặn sẽ mang đến những con sò bụ bẫm, no tròn còn tươi roi rói. Du khách sẽ thổi lò than, đặt tấm vỉ và sắp sò lên để nướng.

Thử tưởng tượng còn có thú nào bằng cảnh ngồi trên khoang thuyền, tự tay mình nướng lấy những chú sò mà mình thích nhất, rồi cho vào miệng. Cảm giác đầu tiên là vị ngọt thơm, béo béo và mịn màng ở đầu lưỡi, sau đó ngấm dần xuống tận cổ.
 
Chuột đồng
 
Chuột đồng xào củ kiệu
 
Thịt chuột nướng lá lốt không chỉ món ăn nổi tiếng ở miền sông nước Tây Nam bộ, mà còn là một “đặc sản” ở Phú Yên. Có dịp đến Phú Yên, không ai lại không tranh thủ thưởng thức món ăn béo ngậy, thơm ngon và độc đáo này...

Ngoài những cách bẫy chuột sơ khởi, có từ rất lâu như dùng rọ, hun khói hoặc bẫy bằng keo, ở Phú Yên, người ta còn bẫy chuột bằng cách: Trước ngày sạ lúa, bà con nông dân chọn vài khoảnh đất trống chừng 5mx5m, làm đất kỹ, cấy loại lúa nếp thơm xuống; chung quanh, rào lại bằng mành, trổ 4 cửa ở 4 góc và đặt 4 cái lồng làm hom ngược phía trong, chuột vào không thể chạy ra được. Đến khi lúa trổ thì nếp thơm đã chín trước, chuột nghe mùi thơm quyến rũ tìm vào cửa rọ và mắc bẫy. Đây là cách bẫy khá công phu để bảo vệ lúa và bắt được chuột với số lượng đáng kể. Cách bắt chuột đơn giản nhất là tìm hang, để rọ ở đầu hang, đổ nước nóng vào, chuột sẽ sập bẫy. Chiều tối đi bẫy, mờ sáng có thể thu hoạch được.

Thịt chuột ngày càng được chế biến thành nhiều món phong phú, hấp dẫn như chuột xào lá lốt, chuột xé phay, chuột khìa nước dừa, chuột kho sả ớt, chuột xào lăn, kể cả mắm kho thịt chuột. Ở Phú Yên, thịt chuột còn được chế biến theo phong cách Ấn Độ bằng cách thêm cà ri cho đậm đà hương vị. Các món ăn chế biến từ thịt chuột có thể ăn với xà lách xoong, cà chua hay hành tây, hành lá đều rất ngon hay chuột con hấp cơm, nhúng giấm hay lấy thịt chuột băm lẫn thịt heo, nấm mèo, bún tàu, đậu phộng rồi dồn vô trong bụng của lớp da chuột đã được làm sạch, đem nướng trên bếp than hồng. Hương vị của sả ớt, thịt nướng thơm lừng tỏa ra không khỏi ngây ngất thực khách thập phương. Nhiều người cho rằng chuột nhỏ ngon hơn chuột lớn vì mềm và không dai.

Và Phú Yên còn rất nhiều món ngon, xin hẹn một dịp khác…

Tùng Lâm
(Theo MNCT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét