MNCT - Ô tô đỗ xịch, xe máy xếp hàng trước một quán ăn mới mở, khách chưa kịp vào đã được những người từ trong đi ra thông báo: “Hết chỗ”!
Đó là cảnh diễn ra hằng ngày tại quán ăn có tên Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 ở phố Nam Tràng ven hồ Trúc Bạch (Hà Nội).
Cửa hàng mới mở nhưng khách hiếu kỳ đã đến rất đông. Trưa hôm qua, khi chúng tôi đến nơi, hơn 80 m2 với chục bàn ăn đều kín chỗ, chiếc đài cổ treo trên tường đang phát bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam. Không gian xôn xao tiếng bàn luận và ánh đèn chụp ảnh của khách hiếu kỳ.
Một nữ nhân viên mặc đồng phục áo phin nõn trắng, trên ngực thêu dòng chữ Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 tất tả phục vụ món ăn. Khách hàng của chị, anh Lê Trung Sâm, 38 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh, nói: “Không hẳn là ngon, nhưng nó làm mình có cảm giác sống lại thời còn bé. Nếu kể lại cho con tôi nghe về thời bao cấp, có lẽ dẫn nó đến đây sẽ hình dung dễ hơn”.
Nhân viên phục vụ mặc áo phin nõn, quần lụa đen thu tem phiếu tại bàn - Ảnh Tịnh Tâm
Ông Phạm Quang Minh, 50 tuổi, là chủ cửa hàng ấp ủ ý định mở một quán ăn tái hiện thời bao cấp cách đây vài năm.
Sau đó, ông đã mất ba năm để sưu tầm những đồ vật rất nhỏ như tờ tem phiếu, những đồng tiền giấy của Ngân hàng nhà nước phát hành năm 1958, chiếc xe đạp Trung Quốc hiệu Vĩnh Cửu, chiếc quạt tai voi Liên Xô…
Tiếng lành đồn xa, nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải tặng viên đá khắc tên Mai Hải từng được dùng để xếp hàng mua lương thực những năm 1970, họa sĩ Lê Thiết Cương tặng bộ ảnh Hà Nội thời bao cấp của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog…
Thú vị nhất, có lẽ là lô bát, đĩa sắt tráng men của Nhà máy sắt tráng men nhôm Hải Phòng tồn kho mà ông chủ tình cờ mua được cách đây hơn một năm, nay dùng để phục vụ khách.
Thực đơn của cửa hàng có khoảng 40 món ăn thời bao cấp: dưa xào tóp mỡ, cơm độn khoai, phở không người lái (phở không thịt), phở trộn cơm nguội… được bán với giá khá đắt: 40.000 - 60.000 đồng/món.
Ba đầu bếp tuổi 8X, được huấn luyện để thực hiện những món ăn mà họ chưa từng biết, ví như muốn có tóp mỡ xào dưa thì phải dùng mỡ lợn rán một cách vừa phải, muốn có cơm độn khoai thì khoai phải gọt vỏ và xắt mỏng như thế nào.
Đầu bếp Huy (25 tuổi) nói: “Làm những món này cũng khó lắm, sao cho khi ăn thấy đúng là món bao cấp, nhưng vẫn phải ngon”. Tất nhiên, gọi là món ăn thời bao cấp nhưng khác xưa khá nhiều, ví dụ “cá khô mậu dịch” là cá quả phơi khô, khoai độn cơm là khoai giống mới, vàng suộm và thơm nức.
Điều thú vị nhất ở quán ăn này là cách phục vụ mô phỏng như thời bao cấp: khách phải mua tem phiếu có giá tương ứng với các món ăn, sau khi nhận món thì trả tem phiếu cho người phục vụ.
Ở quầy bán tem phiếu, còn có một bảng chỉ dẫn: “Không chen ngang”, bên cạnh là các dòng chữ nguệch ngoạc đúng kiểu thời bao cấp: “Quầy giải khát”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “Ở đây có bán nước sôi”… Có cả một bảng nội quy chỉ dẫn cách xếp hàng mua tem phiếu và ưu tiên thương binh! Hơi tiếc khi bản nội quy này lại in màu làm mất đi vẻ xưa cũ.
Tái hiện lại một thời đáng nhớ giữa Hà Nội hiện đại bằng không gian ẩm thực cũng là một cách lưu giữ và truyền bá lịch sử đầy thú vị. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một địa chỉ mang tính văn hóa, cửa hàng sẽ phải nâng tầm chuyên nghiệp, để vừa hút khách bằng sự lạ, vừa đảm bảo sự ngon, sạch, đẹp... cũng như về sự hợp lý về giá cả và cách thức phục vụ.
Tịnh Tâm
Theo Thanhnien Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét