người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Nhớ cơm nước vối kèm châu chấu rang

MNCT - Có một món đồ uống đã bền như màu áo nâu của mẹ ta, bà ta, thanh thanh, man mát, ngọt thoáng như hương cam thảo... cũng đã bị phiêu bạt về nơi nào không rõ. Đó là nước vối. 

Quê nhà, bên bờ ao, cuối khoang vườn, có cây vối cổ thụ tưởng như bị lãng quên nhưng năm nào cũng cho lá xanh, mỗi phiến lá bằng bàn tay (Phủ Tây Hồ trên Hồ Tây, Hà Nội còn cây vối cổ thụ như thế).



Nụ vối từng chùm, vàng tươi cũng có thể thành đồ uống. Quả vối chín đỏ gọi đàn sáo, đàn vẹt từ đâu về ríu rít. Lá vối mới là chính. Lá chặt cả cành con, bó lại, vứt xuống ao vài ngày rồi đem phơi khô, băm thật nhỏ. Cứ tưởng như lá thạch, nhưng không phải thạch, có thể dùng dần. Một nhúm lá vối khô sắc đặc thành nước cốt, khá đắng. Đem nước cốt này pha với nước mưa giữa trời hay nước đun sôi để nguội, từ màu nâu huyền chuyển sang màu nâu vàng trong vắt. Đi làm về, tu một hơi dài, cái nóng, cái mệt tiêu tan.
Nụ vối

Nước vối đựng trong cái ấm đất, cái tích, rót ra bát, chiếc bát chiết yêu, bát đàn dân dã mộc mạc. Hình như bao đời nay chưa có ai rót nước vối ra cốc thuỷ tinh hay pha lê, uống bên bàn trải khăn trắng muốt, hay dùng để chạm cốc, cụng ly mà nó chỉ quen với cái yết hầu lên xuống kêu thầm ực ực... 
Vụ lúa chiêm, trời gay gắt nóng. Đêm hè, trăng bơi trên bầu trời, còn sân vừa dịu cái âm âm, rải chiếc chiếu, đặt ngọn đèn, châu chấu từ đâu không biết vù vù bay đến, chỉ loáng một lát đã đầy chai, thứ châu chấu trứng còn được gọi là tôm bay, béo núc. Thứ tôm bay này bỏ cánh, bỏ đầu, rút ruột, đem rang khô và điểm chút lá chanh thái chỉ... là món ngon kỳ lạ của đồng quê, những ngày đông đồng vắng chợ.

Nước trà vối

Bát cơm để thật nguội cho mát đôi môi, chan thứ nước vối lành hiền ăn với con châu chấu ấy thì cao lương mỹ vị trong khách sạn chưa chắc đã sánh bằng. Châu chấu đậm, nước vối thanh. Cái ngọt và cái mát nâng đỡ nhau, không nồng, không gắt, không ngấy... Chỉ cần ăn một lần để nhớ một đời, nhớ cả ánh trăng ngà trên ngọn cau, cành tre và tiếng đêm mát rượi... 

Thành phố, con châu chấu là của hiếm. Không sao. Tục ngữ có câu: "Tương cà là gia bản". Quả cà đã quen thuộc từ mấy nghìn năm, thuở ông Gióng ăn hết ba nong đầy (lạ thế đấy, ông không ăn ba nong thịt mà chỉ ăn ba nong cà?). Quả cà giòn tan, đậm miệng, có khi nén nửa năm rồi, mặn gắt, cắn miếng cà rồi và miếng cơm đã chan nước vối thanh thanh, ta cảm nhận được điều gì, người ơi? Ai đã từng ăn như thế, mới thấy hết được chất nước non thấm sâu vào ẩm thực. Nghèo đã đành, nhưng rút từ cái nghèo ra miếng ngon mới là tài tình muôn thuở. Nước vối với quả cà, rẻ tiền đến nỗi xin đâu cũng được, xin nhà ai cũng được, nhưng ngon thì hồ dễ mấy ai ngày nay biết đến, khi chỉ quen với cá bỏ lò, gà tần thuốc bắc, thịt nướng, chim quay, bóng thả, canh giò... cho đến giăm bông, pa tê, bít tết... 

Đời sống đang dần tiến lên. Nhiều món ăn Âu, Á đã xuất hiện với đời sống phố phường, thành thị. Các đồ uống đóng chai, chai vuông, chai tròn, chai dẹt, có men và không men... có làm tê cái lưỡi con người, lãng quên đi màu vẻ của thời gian hun đúc.
Lá vối
Người ta đã quen với trà hoà tan, trà đóng hộp, trà pha từng tách có cái dây chỉ buộc... không hiểu có phải vì thế mà trà xanh, nước vối tủi thân, đã lánh mình vào những thôn xa hẻo lánh? Tìm được một bát nước vối bây giờ không dễ. Nhưng thử một lần xem, về quê một lần đi... ta cảm nhận được một điều gì đáng yêu, đáng quý xiết bao, trong đó có món nước vối quê nhà, chát mà ngọt, trong vắt như hồn người, để tìm ra điều sâu thẳm vô thường... 



Theo www.baodatviet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét