người thầy
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Tân nương rủ nhau học làm bánh

Đều đặn cuối tuần, Hạnh và Hoa (Tân Mai, Hà Nội) lại rủ nhau học làm bánh, không chỉ để giúp tăng điểm đảm đang với nhà chồng mà bản thân hai cô cũng thấy vui khi tự tay làm ra những chiếc bánh “ngon, bổ, rẻ”.
Trước khi Hạnh lấy chồng, mẹ cô rất lo bởi Hạnh khá vụng việc bếp núc. Tuy nhiên, từ ngày được thưởng thức nhiều loại bánh do chính tay con gái thể hiện, bà lại hãnh diện mang chuyện nữ công gia chánh của con gái đi khoe với bạn bè, hàng xóm.

Vui mừng không kém mẹ vợ, Cường, chồng Hạnh chia sẻ: “Nhận được chiếc bánh cô ấy tự làm với dòng chữ ngộ nghĩnh 'Tặng chồng béo', tôi thấy vợ mình thật đáng yêu, hết lòng vì gia đình”. Còn chủ nhân của những chiếc bánh dí dỏm tự nhận: "Mặc dù sản phẩm vẫn còn méo mó nhưng tôi rất vui vì đó là tình cảm, tâm huyết của mình".

Wiet Camps, nguyên hiệu trưởng trường đào tạo nghề bánh lớn nhất nước Hà Lan, xứ sở nổi tiếng về bánh mì, bánh ngọt.
Học làm bánh giúp nhiều cô dâu trẻ thêm đảm đang trong cuộc sống gia đình. Ảnh: Phương Thảo.

Giống Hạnh, Hoa, cô dâu mới, cũng được nhà chồng ca ngợi bởi sự đảm đang và lối sống tình cảm. Hoa cho biết cô thấy những chiếc bánh do chính mình làm có ý nghĩa rất đặc biệt: “Sinh nhật người thân, bạn bè, tôi đều làm bánh thay vì mua quà. Tuy mất thời gian, công sức nhưng nó độc đáo, có một không hai”.

Ngoài khóa học làm bánh cơ bản, trước khi về nhà chồng, Thu Trà (quận 7, TP HCM) còn tranh thủ học tiếp khóa nâng cao để có thể sáng tạo ra nhiều kiểu bánh khó, ngon miệng. Mỗi lần đưa hình ảnh những chiếc bánh gato tự làm lên Facebook, Trà lại “mỏi tay” trả lời comment (bình luận) của bạn bè về cách thức làm, nơi học hay đơn giản chỉ là lời khen “Ngon quá!”. Thực đơn cuối tuần của nhà cô và nhà chồng tương lai lúc nào cũng tràn ngập pizza, Donut, Tiramisu, bánh mousse, Cheese cake… 

Ngoài việc trang bị kiến thức nội trợ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, đối với Trà học làm bánh cũng là một cách thư giãn. “Nhào bột, đánh trứng... rồi phun kem nghộ nghĩnh khiến tôi tìm được cảm giác vui vẻ, thư giãn sau tuần làm việc căng thẳng", cô chia sẻ.

CUp cake design :X vị gato, socola và trà xanh X:
Cup cake vị gato, chocolate và trà xanh được Thu Trà làm tại gia. Ảnh: Thu Trà.

Một khóa học làm bánh thông thường kéo dài một tháng với mức giá khác nhau tùy từng địa điểm. Ví dụ tại Trung tâm dạy nghề bánh Nhất Hương ở quận 3, TP HCM, mức giá cho một khóa học bánh gia đình trung bình từ 400.000 đến 600.000 đồng hay ở Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm, Hà Nội là 450.000 đồng… 

Mức giá không rẻ nhưng số lượng học viên tại nhiều trung tâm vẫn không ngừng gia tăng. Lý giải điều này, anh Lê Anh Tú, giáo viên tại một trung tâm dạy làm bánh ở Xã Đàn, Hà Nội cho biết khóa học rất được các "tân nương" yêu thích bởi họ biết món ăn ngon là yếu tố quan trọng để tạo nên và giữ gìn cuộc sống hạnh phúc. Ngoài ra, theo anh Tú, trào lưu đi học làm bánh cũng do hiệu ứng từ các bộ phim Hàn Quốc như King of Baking, Kim Tak Goo (Vua bánh mỳ, Kim tak Goo).

Với khóa học cơ bản, các loại bánh Âu khiến học viên hứng thú nhất vì bánh dễ làm, ăn ngon, phù hợp với xu hướng hiện nay ví dụ như Donut, Tiramisu, bánh mousse, Cheese cake… Ngoài ra, theo anh Lê Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Nhất Hương, công đoạn trang trí kem khiến nhiều bạn phấn khởi bởi nó giúp người học thỏa sức sáng tạo, gửi gắm tình cảm.

Xuất phát từ ý nghĩa học cho vui hoặc phục vụ gia đình, nhiều bà nội trợ còn muốn ứng dụng những công thức làm bánh để mở tiệm. 

My (24 tuổi, tại Bà Triệu, Hà Nội) đang nung nấu mở một hiệu cafe - bánh ngọt tại gia do chính tay mình chế biến. My tâm sự cô vừa lấy chồng, có luôn em bé nhưng sức khỏe không tốt nên tạm nghỉ làm để ở nhà. Những buổi học bánh nhẹ nhàng giúp cô được hoạt động và thư giãn. "Cả mẹ lẫn con cùng học cách làm bánh đãi bố nên chồng tôi vui lắm", cô hồ hởi kể. Theo kế hoạch sắp tới, cô cùng em chồng sẽ mở một tiệm bánh nhỏ tại gia để thỏa đam mê lại tăng thu nhập cho gia đình. 

"Làm bánh không khó, chỉ cần bạn có đam mê, thực hành nhiều là có thể làm thành công các loại bánh và thậm chí tự sáng tạo nhiều sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng mình", anh Trí nhận xét. ‎

Với những người muốn theo “nghiệp bánh”, anh Trí cũng đưa ra một số lời khuyên như tự tạo cho mình thói quen học hỏi và sáng tạo những loại bánh mới lạ, trang bị kiến thức về tiếp thị, xây dựng thương hiệu, quản l‎ý tiệm bánh, cách thức sắp xếp hàng hóa, quầy bánh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động... 

Phương Thảo
Nguồn : vnexpress.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét